(NĐ&ĐS) - Gạo là lương thực số 1 của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, có một thói quen không tốt mà nhiều người mắc phải, đó là sử dụng gạo xát và vo gạo quá kỹ khi nấu cơm. Vậy tại sao không nên ăn gạo xát hay vo quá kỹ?
Ta biết rằng, cơm (gạo) cung cấp chất bột đường, vitamin và các khoáng chất, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Trong lớp vỏ lụa của hạt gạo chứa vitamin E, sắt, kẽm, chất xơ và chủ yếu là vitamin nhóm B (B1, B3, B6). Tuy nhiên, nếu gạo được xay xát hay vo quá kỹ, chắt hết các phần nước đục sẽ khiến cho vitamin và các khoáng chất bị mất đi lượng rất lớn. Điều đó đồng nghĩa dinh dưỡng tốt nhất của hạt gạo đã không còn.
Khi cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ dẫn tới bệnh beri – beri (bệnh tê phù gây ra do sự thiếu hụt vitamin B1) ảnh hưởng đến sự truyền dẫn bình thường của thần kinh, xuất hiện chứng bàn chân lở loét, cơ đau nhức, mất ngủ. Vì vậy, chớ nên ăn lượng thực quá tinh.
Cùng với đó, vo gạo quá kĩ làm mất đi lớp vỏ cám ở quanh hạt gạo chứa rất nhiều xenlulo, có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết cholesterol, làm giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu. Một số người thích ăn cơm nấu từ gạo trắng đẹp mắt mà không biết rằng gạo chế biến càng tinh thì lượng xenlulo càng giảm. Khi ấy, ăn cơm khó tạo ra cảm giác no bụng khiến lượng thức ăn đưa vào cơ thể tăng cao, dễ mắc bệnh béo phì. Hấp thụ quá nhiều tinh bột từ gạo trắng có nguy cơ dẫn đến tiểu đường, các bệnh phù thũng, tăng huyết áp...
Lưu ý khi nấu cơm:
- Không xay xát gạo quá trắng.
- Khi vo gạo, không nên xát mạnh tay.
- Nên dùng nước nóng để nấu cơm thay vì dùng nước lạnh.
- Khi cơm sôi, để nhỏ lửa, đậy vung để giữ nhiệt, không gạn bỏ nước cơm và tránh tiếp xúc với không khí nhằm hạn chế tiêu hao các vitamin trong gạo.
Ý kiến bạn đọc