Mỗi lần nhìn thấy bát canh bóng hay đĩa kẹo bắp trên bàn ngày Tết là bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về.
Thời thơ ấu của mỗi người gắn với những điều khác nhau, nhưng ký ức về ngày Tết cổ truyền đều có chung hương vị của các món đặc trưng.
Khi nhìn thấy món ăn đặc biệt, từng gắn với một thời còn hồn nhiên, vui vẻ khiến những người đã trưởng thành cũng trào dâng cảm xúc xuyến xao.
Không hẳn là vì hương vị tuyệt vời của món ăn ấy, mà còn vì sức "ám ảnh" hay vì nó gắn với một khoảng thời gian thiếu thốn, khó khăn.
Kẹo bắp (kẹo ngô)
Đến nhà chúc Tết, thứ hấp dẫn trẻ con ngoài lì xì còn có đĩa bánh kẹo. Hẳn bạn còn nhớ kẹo bắp "thần thánh" này vì đi nhà nào cũng có.
Với rất nhiều loại bánh kẹo Tết được nhập ngoại, sang chảnh, các bạn trẻ ngày nay tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí có phần sợ những chiếc kẹo ngô kém phần đặc sắc.
Thế nhưng với nhiều người đã trưởng thành, kẹo bắp với đặc trưng là tạo hình bắp ngô vàng, khi cắn thấy dẻo dẻo, thơm thơm mùi ngô từng có sức hấp dẫn khó tả.
Sau khoảng thời gian lâu dài luôn xuất hiện trên đĩa bánh kẹo mời nhau ngày Tết, kẹo bắp đã trở thành thương hiệu để khi nhìn thấy chúng ta biết ngay "không khi Tết đây mà".
Kẹo trái cây bốn mùa
Bên cạnh kẹo bắp, kẹo trái cây bốn mùa đã trở thành tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X. Không chỉ mùa Tết, bất cứ dịp nào vào thời đó, tiệm tạp hóa nào cũng "thủ" sẵn loại kẹo này để vừa bán, vừa phát cho con nít đến nhà chơi.
Đặc trưng của loại kẹo này là trong mỗi túi kẹo có rất nhiều hương vị khác nhau như cam, chuối, táo, nho... Những kỷ niệm khó quên là khi vừa ngồi vào bàn, đám trẻ con lại với tay, bới tìm hương vị mình thích nhất khiến cha mẹ nhiều lúc phải nhắc khéo để đỡ mất mặt với gia chủ.
Cứ như vậy, thứ kẹo truyền thống ấy cứ ngấm sâu vào ký ức của những đứa trẻ thời đó.
Trà bí đao
Ngày Tết phải có đồ uống để tăng thêm hương vị cho những bữa ăn ngon. Người lớn chúc nhau bằng rượu, bia còn trẻ con uống nước ngọt.
Loại nước mà đứa trẻ nào cũng từng được uống vào dịp Tết đó chính là nước bí đao. Có hương vị thơm ngọt, thanh mát, giá cả lại phải chăng nên đây là loại nước uống được nhiều gia đình chọn mua.
Thế nhưng, nhiều người đến khi lớn lên bỗng "sợ hãi" khi thấy mẹ đi chợ Tết xách về mấy thùng trà bí đao. Vì năm nào đến Tết cũng không hề thay đổi chỉ được uống mỗi loại nước đặc trưng ấy khiến những đứa con chỉ muốn chọn ngay một loại khác.
Bánh tai voi
Cùng với kẹo chuối, quẩy ngọt, món kẹo tai voi có lẽ gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.
Với giá chỉ vài nghìn đồng một gói nhỏ, những đứa trẻ con đã có thể chia nhau những miếng kẹo giòn giòn.
Với thành phần chủ yếu là bột mỳ và trứng, hương vị thơm ngon của loại kẹo này khiến nhiều cô cậu học sinh bị "nghiện", mỗi chiều tan học lại phải ghé qua canteen của trường mua mấy gói ăn dần.
Củ kiệu
Củ kiệu từ lâu đã trở thành một nét đẹp của Tết. Đặc biệt, ai ở miền Nam vẫn còn nhớ hình ảnh các bà, các mẹ đi chợ tìm mua củ kiệu tươi trong những gánh hàng bày đầy dọc lối đi.
Củ kiệu muối miền Nam luôn mang đặc trưng riêng, khó lẫn với các vùng miền khác. Nếu miền Trung ngâm củ kiệu với nước mắm thì miền Nam muối với đường, giấm nên tạo được vị ngọt hơn. Củ kiệu thường được ăn với thịt kho trứng, bánh chưng, bánh giầy, kèm với vài lát lạp xưởng chua.
Nhưng đối với nhiều người, củ kiệu muối không hề hấp dẫn mà lại mang sức "ám ảnh" lớn vì mùi vị khó ăn mà không phải ai cũng hợp được. Khổ nhất là bị mẹ bắt ngồi dọn củ kiệu đến cay cả mắt.
Canh bóng
Canh bóng là món ăn đặc trưng của miền Bắc. Bát canh bóng dường như không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người Hà Nội xưa.
Nhìn bát canh tỏa khói nghi ngút trên bàn, nhiều người nhớ lại kỷ niệm ngày bé được mẹ dặn ở nhà trông mấy miếng bóng phơi ngoài sân nhưng mải chơi, để trời mưa ướt hết.
Nguyên liệu chính của món này chính là bóng (bì lợn) được sơ chế, chiên hoặc phơi khô. Bát canh bóng thả (thập cẩm) có nước dùng trong, vị ngọt của cả bóng và hương thơm từ rau củ.
Ý kiến bạn đọc