(NĐ&ĐS) - Những tưởng giữa đất Sài Thành chỉ toàn những tòa nhà cao chọc trời, ấy vậy mà đâu đó vẫn còn những căn nhà được dựng 4 bề là tôn, nền là những tấm ván gỗ thừa, chỗ ăn chỗ ngủ không còn phân biệt. Đó là nơi sinh sống của những phận đời… “du mục”.

Từ nhiều năm nay, cuộc sống trong những căn lán cất tạm bợ đã trở nên quen thuộc với những người công nhân sống ở khu Thủ Thiêm - ‘đại công trường’ của TP. Hồ Chí Minh. Họ đa phần là những người lao động nghèo đến từ các tỉnh miền Tây như: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... lên Thành phố để mưu sinh. 

12
Căn lán tạm bợ của các thợ xây. 

Những người thợ xây, thợ hồ ở các tỉnh lẻ, vì cái nghèo cứ đeo bám nên những con người ấy phải xa quê, bám trụ với nghề ở các thành phố lớn mỗi ngày. Không có điều kiện thuê nhà nên họ dựng lán với những tấm tôn, tấm ván tạm bợ che nắng che mưa, có người lót được tấm đệm cũ làm chỗ ngủ, cũng có người chỉ trải mỗi tấm bạt mỏng hay căng cái võng ngang nhà là đã có chỗ dựa lưng. 

Họ cứ lang thang hết nơi này đến nơi khác để đắp đổi miếng ăn qua ngày. Khi người thuê, họ lại dắt díu nhau đi theo những công trình. Hành trang của họ chỉ có vài bộ áo quần với mấy miếng gỗ, tấm tôn. Và, họ gọi nơi ở tạm của mình là xóm. 

Những nơi họ ở, mùa nóng thì oi bức, nắng rọi xuyên mái nhà. Mùa mưa thì nước ngập, sình lầy, chuột gián chạy khắp nơi. Nhưng họ đều gắng gượng sống, vì số tiền họ kiếm được chỉ đủ để gửi về quê nhà lo cho con cái ăn học, và trang trải cuộc sống. 

“Khó khăn thiếu thốn thì rất nhiều nhưng cuộc sống mà con, không chịu thì làm sao kiếm tiền? Cả một đời đi xây nhà cho người ta, nhưng bản thân mình thì lại không có lấy nổi một căn nhà đàng hoàng, nhiều lúc nghĩ cũng buồn lắm chứ...”  - chị Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi) người dân xóm “du mục” chia sẻ.

L,IYYLChị Nguyễn Thị Tuyết (45 tuổi – Kiên Giang) – thành viên xóm thợ xây.

Có những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ từ xóm xây dựng, ban ngày đi học, chiều về làm bạn với sắt thép, đất cát.

“Em thấy cha mẹ em mần cực em thương lắm, sau này em sẽ đi làm để nuôi cha mẹ em”. Đó là những lời nói chất chứa đầy tình thương của bé “Còi” – con chị Nguyễn Thị Tuyết.

TYUKTRT
Nụ cười ngây thơ của em bé trong xóm công trình.

Khi mỗi một công trình hoàn thiện, các cánh thợ xây lại chuyển đi đến công trình mới. Họ lại tất tả lượm lặt những gì có thể sử dụng được mang đi lập xóm mới.

Với những người thợ xây, dòng xoáy xã hội có ngày một đổi thay thế nào thì cuộc sống của họ vẫn cứ đều theo nhịp sống của riêng mình....

Kim Kha