(NĐ&ĐS) - Đặt điện thoại gần giường ngủ để không bỏ lỡ cuộc gọi, tin nhắn là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên, thói quen tưởng như vô hại này lại đang gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn đấy.
Đau đầu, mỏi mắt

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, đặc biệt là những công việc phải sử dụng máy tính, buổi tối lại ngồi trước TV thì mắt của bạn cần được nghỉ ngơi. Đặt điện thoại gần giường ngủ, chúng ta dễ có thói quen xấu là luôn kiểm tra điện thoại một cách vô thức hoặc tranh thủ vào mạng internet, lướt mạng xã hội trước khi ngủ. Việc này sẽ khiến chúng ta bị đau đầu, khô mắt, giảm thị lực...
Đặc biệt, khi đã tắt đèn để lên giường ngủ, việc sử dụng điện thoại trong điều kiện thiếu ánh sáng sẽ gây hại cho thị lực, khiến cho mắt càng mỏi mệt.
Phát ra bức xạ di động
Mặc dù vẫn chưa có đủ căn cứ để kết luận rằng bức xạ di động gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng rủi ro khi sử dụng các thiết bị không dây trong thời gian dài là không thể tránh khỏi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta cũng nên hạn chế việc mang theo điện thoại quá nhiều, không đặt điện thoại cạnh người khi ngủ, nếu dùng để đặt báo thức thì nên chuyển sang chế độ máy bay.
Gây khó ngủ, mệt mỏi
Theo các nhà khoa học, ánh sáng từ điện thoại sẽ làm não sản xuất ra ít Melatonin hơn. Đây là loại hóc-môn giúp bạn dễ ngủ. Ngoài ra, đèn báo hiệu thiết bị đang sạc phát ra bước sóng xanh, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bạn, gây khó ngủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn vào hôm sau. Ngay cả khi bạn ngủ sâu, giấc ngủ vẫn không chất lượng.
Ám ảnh khi thiếu điện thoại (Hội chứng Nomophobia)
"Nomophobia" là hội chứng mô tả nỗi sợ hãi khi không có thiết bị di động bên người. Để ngăn chặn điều này, hãy tắt điện thoại của bạn ít nhất một lần mỗi ngày, đặt điện thoại cách bạn 4m đến 5m trước khi đi ngủ.
Ý kiến bạn đọc