(NĐ&ĐS) - Sáng 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng về tình hình kiểm soát dịch bệnh, phương hướng xử lý thời gian tới.
- Lô vắc xin COVID-19 đầu tiên về tới Việt Nam
- Sáng 24/2, có thêm 2 ca mắc COVID-19 tại Hải Dương
- TPHCM gỡ bỏ điểm phong tỏa Covid-19 cuối cùng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương (từ ngày 16/2), 4 ngày gần đây, số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa.
Trong 5 ổ dịch chính, 2 ổ dịch tại Kinh Môn và Nam Sách cơ bản đã được khống chế, trong mấy ngày vừa qua chỉ có rải rác 1 đến 2 ca trong ngày. Ổ dịch tại Chí Linh và Cẩm Giàng đã có dấu hiệu khả quan hơn khi 3 ngày gần đây, số ca trong ngày đã giảm xuống dưới 5 ca. Ổ dịch tại thành phố Hải Dương cần tiếp tục theo dõi sát khi ghi nhận ca bệnh trong cùng một gia đình được phát hiện thông qua giám sát triệu chứng, gồm 4 ca tại phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, trong đó BN2287 tiếp xúc gần BN1734 (BN1734 liên quan ổ dịch (đám cưới) tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách, nơi có công nhân Công ty POYUN tham dự.
Đối với ổ dịch thứ 6, ổ dịch mới tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc mới, xuất phát từ một trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện thông qua rà soát, sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch quyết liệt của các địa phương; khẳng định, vắc xin là yếu tố quan trọng dẫn tới giảm số ca mắc Covid-19 trên thế giới trong thời gian qua. Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ khi gần 117.000 liều vắc xin đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân vào thời gian tới, vắc xin lần lượt về nhiều hơn và sẽ tổ chức tiêm kịp thời cho người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý, dù có vắc xin nhưng vẫn phải chú ý phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp "5K", không vì vắc xin mà chúng ta chủ quan.
"Chiến lược của chúng ta là 100 triệu dân được tiêm vắc xin", Thủ tướng nêu rõ, đồng thời cho rằng, không thể một lúc đủ cho cả trăm triệu dân mà phải có thứ tự ưu tiên: Nhân viên y tế tại cơ sở điều trị, cơ sở xét nghiệm; nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, quân đội, công an tại khu cách ly; lực lượng khoanh vùng dập dịch tại vùng có dịch; lực lượng phòng, chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ.
"Một nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, nguy cơ thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau", Thủ tướng nói và cho biết, ngay hôm nay, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ký nghị quyết về vấn đề này.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tương yêu cầu không "ngăn sông cấm chợ", giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.
Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như TPHCM sáng nay được công bố với hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ý kiến bạn đọc