(NĐ&ĐS) - Trong vụ cháy chung cư Carina Plaza, vấn đề trách nhiệm đang được dư luận hết sức quan tâm, từ chủ đầu tư đến đơn vị quản lý vận hành, thậm chí cả việc kiểm tra và nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ quan chức năng.
- Chủ đầu tư Carina Plaza cam kết sửa chung cư trong 30 ngày
- Vụ cháy chung cư Carina Plaza: Ai đền bù hàng trăm ô tô, xe máy bị thiêu rụi?
- 'Người hùng' hy sinh khi cứu hơn 40 người thoát khỏi đám cháy Carina
Vài ngày nay, câu chuyện xung quanh vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TP HCM đang được dư luận cả nước quan tâm, đặc biệt là khía cạnh trách nhiệm của các bên liên quan.
Luật sư Nguyễn Đắc Thực, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, đây là một vụ việc hết sức nghiệm trọng, có hậu quả và thiệt hại nặng nề. Do đó cần xem xét kỹ trách nhiệm của các bên liên quan, nếu cần thì phải sớm khởi tố vụ án để điều tra.
Trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc này phải nói đến chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà. Việc hệ thống báo cháy tòa nhà không hoạt động khi xảy ra cháy là điều không thể chấp nhận được, cần làm rõ nguyên nhân là do hệ thống kém chất lượng hay đơn vị vận hành không kiểm tra thường xuyên để khắc phục hỏng hóc (nếu có).

Về nguyên nhân của vụ cháy cũng như nguyên nhân của những thiệt hại nặng nề đã xảy ra, có thể phải xem xét có hay không việc ai đó đã (vô ý) vi phạm các nguyên tắc, quy định về PCCC dẫn đến vụ hỏa hoạn hay vụ cháy hoàn toàn là khách quan, sự cố nào đó.
Để xác định được điều này, cần phải xem xét lại toàn bộ hệ thống PCCC của chung cư Carina. Trước hết là khâu thiết kế, quản lý, vận hành và bảo trì. Sau đó cũng cần xem việc kiểm tra, chấp thuận và nghiệm thu trước khi đưa hệ thống PCCC vào hoạt động.
Sau khi xác định được những vấn đề trên, chúng ta mới đề cấp đến nghĩa vụ bồi thường thuộc về bên nào, chủ đầu tư hay đơn vị quản lý vận hành.
Có cơ sở khởi tố vụ án ?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Đắc Thực, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: Theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy cũng như quy định tại BLHS hiện hành, đã có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự và tổ chức điều tra về hành vi “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” (theo Điều 313 BLHS) và hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của cá nhân có trách nhiệm trong vụ viêc này (theo Điều 360 BLHS).
Trong trường hợp khởi tố bị can của vụ án thì trách nhiệm bồi thường các thiệt hại dân sự sẽ được ra trong vụ án hình sự. Cơ quan tố tụng sẽ giải quyết luôn phần bồi thường dân sự ngay trong vụ án này, chứ không tách riêng làm hai vụ án.
Theo ông Thực, về nghĩa vụ bồi thường, với các tòa chung cư trước khi đi vào hoạt động, các chủ đầu tư đều phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật PCCC và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Cho nên, doanh nghiệp bán bảo hiểm cho tòa nhà cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
Thực tế, trong sự việc này, trách nhiệm phải nói đến là chủ đầu tư bởi trước đó các cư dân nơi đây đã từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ cháy nổ nhưng lại bị chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành “phớt lờ”.
Ngay trước đêm xảy ra vụ cháy, một cuộc họp giữa cư dân và Ban quản trị chung cư đã diễn ra và nguy cơ cháy nổ tại đây đã được cảnh báo.
Ông Thực cho biết thêm, đáng lẽ sau khi cư dân phản ánh về nguy cơ cháy nổ thì phía chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành phải có kiểm tra và khắc phục ngay. Đây là trách nhiệm trong công tác quản lý tòa nhà, nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân đang sinh sống,
Bên cạnh đó, cũng cần đề cập đến vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp kiểm tra hệ thống PCCC tại các tòa chung cư.
“Vụ việc xảy ra tại chung cư Carina là lời cảnh tỉnh cho chủ đầu tư các chung cư khác trên TP Hồ Chí Minh nói riêng và toàn quốc nói chung. Chủ đầu tư cần làm tốt và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng PCCC, nhằm đảm bảo an toàn cho sinh hoạt của cư dân”, ông Thực chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc