Năm 2016, thành phố Hải Phòng đã giải quyết việc làm cho 54.000 lượt lao động (LĐ), tăng 3,85% so với kế hoạch, thu nhập trung bình của người LĐ khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Tiếp tục đà tăng trưởng, năm 2017 Hải Phòng phấn đấu tạo thêm 53.000 việc làm.

nam-2017-hai-phong-phan-dau-tao-them-53000-viec-lam
Lao động trẻ tại Hải Phòng đang có rất nhiều cơ hội lựa chọn công việc.

Mức phấn đấu khá thận trọng

Mức phấn đấu tạo thêm 53.000 việc làm trong năm 2017 là con số khá “thận trọng” so với nhu cầu thật sự của Hải Phòng. Theo số liệu của Cục Thống kê giai đoạn 2017- 2020 và dài hạn, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển 17 khu kinh tế và 15 cụm công nghiệp, cần thêm khoảng 250.000 LĐ.  

Ngoài những con số thống kê chính thức, theo khảo sát của phóng viên, một số ngành như vận tải, xếp dỡ, các dự án cầu đường… nhu cầu sử dụng LĐ cũng đang tăng, nhưng khó đưa ra thống kê vì sự luân chuyển liên tục theo tính chất công việc, trong ngành xây dựng (mảng hoạt động rất mạnh của Hải Phòng) hiện tại cũng rất thiếu LĐ.

Anh Nguyễn Bích Ngọc - quản lý một doanh nghiệp (DN) xây dựng cho biết: “Cũng như đa số DN xây dựng tư nhân khác, tôi đã phải từ chối nhiều công trình vì không có người làm. Hiện LĐ trẻ (kể cả từ nông thôn ra) thường chỉ lựa chọn vào các KCN làm việc”. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả các KCN cũng đang phải đối diện với vấn đề  thiếu LĐ.

Công ty TNHH Regina Miracle International (KCN VSIP) chuyên sản xuất thời trang cho các thương hiệu quốc tế, đang sử dụng 13.000 LĐ, mới đáp ứng được hơn 43,3% nhu cầu, hiện vẫn cần thêm 15.000 LĐ. Đại diện tuyển dụng của công ty cho biết, cùng với kế hoạch xây dựng thêm 2 nhà máy, năm 2019 công ty sẽ cần thêm khoảng 17.000 LĐ.

Công ty LG Display (KCN Tràng Duệ) chuyên sản xuất màn hình Oled công nghệ cao với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD, đang cần tới 5.000 LĐ, dự kiến đến tháng 8/2017, khi nhà xưởng sản xuất đi vào thử nghiệm, cần thêm khoảng 10.000 LĐ...  

Tình trạng thiếu LĐ không chỉ xảy ra với các DN FDI. Công ty Cổ phần LILAMA 69-2 hiện vẫn đang tuyển khoảng 300 LĐ các chuyên ngành: Hàn điện, hàn hơi, gia công lắp đặt thiết bị cơ khí, điện…

Nhiều giải pháp thu hút nhân lực

Để thu hút LĐ, nhiều DN đã hạ chuẩn tuyển dụng trong các tiêu chí về độ tuổi, học vấn, thậm chí tuyển cả người chưa có tay nghề để đào tạo, cùng với đó là những chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn.

Công ty Yazaky Hải Phòng (KCN Nomura) tuyển LĐ nữ từ 18 - 45 tuổi chỉ cần tốt nghiệp THCS, được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, mua bảo hiểm tai nạn ngay ngày đầu tiên làm việc. Ngoài ra, những công nhân viên giới thiệu được người mới vào làm sẽ được thưởng 500.000 đồng (sau 4 tháng làm việc).

Công ty Regina tuyển dụng LĐ chưa có tay nghề, vẫn trả lương thử việc, kèm tiền xăng xe, con nhỏ, đào tạo miễn phí. Công ty cũng áp dụng trả thưởng cho người giới thiệu từ 500.000 - 2.000.000 đồng tùy từng vị trí việc làm…

Trong số khoảng 45.000 LĐ tại các KCN, có khoảng 5.500 người làm công tác quản lý và 8.000 LĐ có tay nghề, còn lại hơn 30.000 người (chiếm 65%) là LĐ phổ thông chưa qua đào tạo.   

Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, toàn thành phố hiện có 58 cơ sở đào tạo nghề, gồm 11 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề, 14 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, 13 cơ sở đào tạo tổng hợp nhiều nghề, các giáo trình cũng liên tục được cập nhật, phương pháp giảng dạy, thực hành ngày càng bám sát nhu cầu thực tế. Một trong những giải pháp lâu dài về nhân lực đang được một số DN tại Hải Phòng áp dụng là liên kết với các trường đào tạo nghề, tiếp nhận sinh viên, học sinh thực tập và bố trí việc làm ngay sau tốt nghiệp, đồng thời bám sát triển khai nhiều hoạt động của sàn giao dịch việc làm Hải Phòng, tạo điều kiện DN liên kết với cơ sở đào tạo nghề…

Năm 2017, Hải Phòng đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 53.000 lượt lao động. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH 29,44%; tỷ lệ lao động tham gia BHTN là 26,07%. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55,55%.
Quốc Cường / baonhandao