(NĐ&ĐS) - Liên quan đến vụ việc dùng ruột pin để nhuộm vỏ cà phê và bột đá xảy ra trên địa bàn, chiều 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều tra ban đầu cũng như quan điểm xử lý vụ việc.

Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan cùng rất nhiều phõng viên báo đài.

hinh-1-15240522177081708475040 (2)
UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo thông tin sự việc

Tính đến thời điểm hiện tại, một số cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ mục đích của việc trộn vỏ cà phê, bột đá sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với bột pin tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975). Cơ sở này đặt tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, do bà Loan đứng tên đăng ký kinh doanh.

Theo nội dung thông báo tại buổi họp, từ ngày 15 - 17/4/2018, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) - Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) đã có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê. 

Phòng PC49 Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê (cà phê nhân nát vụn, vỏ cà phê) đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn có 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin.

Thông tin tới báo chí, Đại tá Lê Vinh Quy (Phó GĐ Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết: “Đến lúc này, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT xác định cơ sở bà Loan có nhuộm dung dịch pin vào các phế phẩm cà phê. Hiện cơ quan công an đang tích cực để làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở”.

dai-ta-le-vinh-quy-pho-gd-cong-an-tinh-dak-nong-tra-loi-bao-chi-tai-buoi-hop (2)
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, trả lời các câu hỏi của báo chí

Theo đại tá Quy, căn cứ vào tài liệu thu thập được, đến thời điểm này chưa thể khẳng định được bà Loan sản xuất cà phê bẩn. Công an đã triệu tập bà Loan và những người liên quan để điều tra, làm rõ có phải các phế phẩm này được bán cho các cơ sở rang xay, làm cà phê bột hay không. Hiện vật chứng đã được đem đi kiểm nghiệm để xác định hợp chất bà Loan dùng để nhuộm phế phẩm cà phê.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra các đối tượng rất quanh co, khai báo chưa rõ ràng. "Nếu xác định bà Loan dùng cà phê này để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu bà Loan về hành vi  được quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự", Đại tá Quy nói.

Trước câu hỏi về việc thu hồi những sản phẩm đã bán ra, bởi theo thông tin chủ cơ sở này đã bán ra ít nhất 2 container hàng, Đại tá Quy cho biết, sản phẩm từ cơ sở chế biến của bàn Loan được đưa về các địa bàn tiêu thụ, nên đang phối hợp với các địa phương khác xác minh làm rõ. Trước mắt đối tượng mới khai nhận bán 3 tấn tại tỉnh Bình Phước.

"Chúng tôi cũng đang tập trung đấu tranh xem các sản phẩm sau chế biến được đưa đi đâu, bước đầu xác định bà Loan tiêu thụ các sản phẩm này ở tỉnh Bình Phước" - Đại tá Quy thông tin.

photo-1-15240624504482098216181
Lực lượng chức năng kiểm tra xưởng “cà phê bẩn” của bà Loan

Liên quan đến sự việc, Thượng tá Nguyễn Tường Vũ - Trưởng Công an huyện Đắk R'lấp khẳng định từ trước đến nay công an huyện chưa xử lý hành vi vi phạm nào từ cơ sở của bà Loan. 

Ông Lê Văn Thị - chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp thông tin thêm, ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện thường xuyên kiểm tra và chưa phát hiện vi phạm của cơ sở này trước đây. Về nghĩa vụ thuế, bà Loan đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19/8/2016 ngành nghề thu mua nông sản, đăng kí thay đổi lần thứ 1 vào ngày 31/10/2017. Bà Loan có đăng kí mã số thuế, nộp thuế đầy đủ nhưng số thuế nộp bao nhiêu thì ông Thị chưa rõ.

Cũng tại buổi họp báo, Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Quan điểm của tỉnh là yêu cầu cơ quan điều tra nhanh chóng xác minh cụ thể động cơ, mục đích và tìm hiểu sản phẩm đã bán ra thị trường hay chưa để thông tin cho báo chí và người dân được biết. Qua đây, ông Lộc bày tỏ quan ngại về quá trình quản lý của địa phương và các cơ quan liên quan vẫn còn nhiều kẽ hở, thiếu chặt chẽ và đồng bộ dẫn đến sự việc như trên.

“Nếu thực sự bán cà phê nhuộm chất trong viên pin ra thị trường làm thực phẩm cho con người thì phải xử lý hình sự. Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người quá rõ”, ông Lộc cho hay. 

Hàn Trầm