(NĐ&ĐS) - Thời gian qua, báo chí truyền thông nói chung và hệ thống báo chí của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam nói riêng đã có những đóng góp tích cực trong việc lan tỏa giá trị nhân đạo, giúp các hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội CTĐ Việt Nam các cấp triển khai sâu rộng, hiệu quả. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Nhân đạo và Đời sống đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam, về vai trò, ý nghĩa của báo chí truyền thông đối với công tác CTĐ.
PV: Xin bà cho một vài đánh giá về vai trò của báo chí truyền thông nói chung và vai trò của báo chí thuộc Hội với công tác nhân đạo trong thời gian qua?
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà báo, các cộng tác viên báo chí đã đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo của các cấp Hội CTĐ Việt Nam. Công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công tác Hội và các phong trào CTĐ. Trong chiến lược phát triển của Hội CTĐ Việt Nam, tuyên truyền các giá trị nhân đạo được xác định là một trong ba lĩnh vực ưu tiên nhằm “góp phần nâng cao nhận thức, tạo dựng hình ảnh, làm chuyển biến thái độ, hành vi của người dân về công tác nhân đạo và tổ chức nhân đạo. Qua đó, lôi cuốn các lực lượng xã hội tham gia công tác nhân đạo”.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền của Hội CTĐ Việt Nam được chú trọng với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ và các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân đạo; về Luật Nhân đạo quốc tế, về hoạt động của Hội CTĐ Việt Nam các cấp... Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với các cơ quan truyền thông quốc gia và cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của rất nhiều các cơ quan báo chí, các nhà báo, các cộng tác viên báo chí.
Những năm gần đây, các cơ quan báo chí, truyền thông của Hội đã nỗ lực từng bước tạo nên diện mạo mới, tiếp cận nhiều hơn với độc giả, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Hội CTĐ Việt Nam. Là cơ quan ngôn luận của Hội CTĐ Việt Nam, là diễn đàn của người làm việc thiện trong và ngoài nước, báo chí của Hội đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, định hướng của Trung ương Hội đến với các cấp Hội, cập nhật kịp thời các thông tin hoạt động của các cấp Hội trên toàn quốc, phản ánh các vấn đề nhân đạo mà xã hội quan tâm, là cầu nối thông tin nhân đạo với bạn bè quốc tế và đồng bào ở xa Tổ quốc.
Báo chí của Hội đã tìm tòi những phương thức mới, mở rộng kênh truyền thông để bắt kịp xu thế truyền thông hiện đại. Hiện, các cơ quan báo chí của Hội rất đa dạng, từ truyền hình, báo điện tử, cổng thông tin điện tử đến các ấn phẩm báo chí in và công cụ mạng xã hội giúp tiếp cận ngày càng nhiều hơn với độc giả, với các nhà hảo tâm cũng như với các hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội.
Nét mới trong những năm gần đây là báo chí của Hội đã quan tâm hơn đến các hoạt động vận động nguồn lực nhân đạo, an sinh xã hội và đạt được hiệu quả rất đáng mừng...
PV: Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0, bên cạnh cơ hội phát triển thì các cơ quan báo chí của Trung ương Hội cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hội CTĐ Việt Nam sẽ có những định hướng, giải pháp như thế nào đối với các cơ quan báo chí Hội trong thời gian tới?
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Trong thời đại công nghệ như hiện nay, các báo đã có những bước chuyển mình để bắt nhịp với xu thế thời đại để nâng cao chất lượng, tính chính xác, kịp thời thu hút bạn đọc.
Xu hướng truyền thông hiện đại vừa là thời cơ thuận lợi để những người làm báo chân chính có động lực vươn lên phát triển đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo công chúng. Báo chí của Hội cũng không nằm ngoài xu hướng và đòi hỏi đổi mới đó và bắt buộc phải chuyển mình, dù còn có nhiều khó khăn. Các cơ quan báo chí của Hội cần phải nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn để từng bước cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng tin bài, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Hội, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc. Đặc biệt, mỗi người làm báo trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo càng phải nêu cao đạo đức nghề nghiệp với tâm thế “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng, nhân văn”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội CTĐ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông trong tình hình mới, từng bước phát triển các cơ quan báo chí của Hội thành những đơn vị truyền thông có uy tín, trong thời gian tới, mỗi cơ quan báo chí của Hội cần xác định cho mình một kế hoạch phát triển mang tính chiến lược.
Mỗi cơ quan báo chí cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện tinh gọn bộ máy, sử dụng tốt cán bộ hiện có và phát triển lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên có kinh nghiệm, có uy tín để tham gia cộng tác với các cơ quan báo chí của Hội; mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, với các cơ quan báo chí ngoài Hội, với các ban, đơn vị Trung ương Hội, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng nguyên tắc đối với các cơ quan đại diện trực thuộc. Mỗi cơ quan báo chí cần tiếp tục rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, văn hóa, trình độ chuyên môn, chính trị của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Trong sự phát triển của công nghệ thông tin, người làm báo cần tự tin, bản lĩnh kiên định thực hiện đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước. Người làm báo phải chọn lọc thông tin, mang đến cho người đọc thông tin chất lượng tốt, từ đó mang lại nhận thức tốt cho người đọc.
Các ấn phẩm báo chí của Hội cần bám sát và phản ánh toàn diện họat động của các cấp Hội, tăng cường các bài viết tổng hợp đúc kết, nhân rộng mô hình, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, cơ sở; cổ vũ, khuyến khích tấm gương người tốt – việc tốt...
PV: Trong hệ thống các cơ quan báo chí của Hội thì Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống là “non trẻ” nhất. Vào tháng 8 tới, Báo sẽ tròn 2 tuổi. Đề nghị Chủ tịch T.Ư Hội cho một vài đánh giá về vai trò của báo điện tử đối với công tác thông tin tuyên truyền các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt là đối với các hoạt động nhân đạo.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu: Từ khi được thành lập, gần 2 năm qua, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đã làm tốt sứ mệnh chuyển tải thông tin tới bạn đọc, tới các hội viên, tình nguyện viên CTĐ; đặc biệt là góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác nhân đạo, kết nối tấm lòng của những nhà hảo tâm đến với các hoàn cảnh cần trợ giúp.
Sự ra đời của Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã khắc phục những hạn chế của báo in, đem đến sức sống mới, hơi thở mới cho các hoạt động nhân đạo của các cấp Hội đến với đông đảo độc giả trong và ngoài nước một cách nhanh chóng hơn, kịp thời, sâu rộng hơn. Là một tờ báo điện tử còn non trẻ, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống càng cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để bắt kịp xu thế của thời đại. Lãnh đạo Báo cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ nghiệp vụ để mỗi phóng viên sẽ trở thành những nhà báo thực sự chuyên nghiệp và hiện đại. Tôi mong rằng, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống phải trở thành kênh thông tin nhân đạo chuyên biệt, là người bạn đồng hành tin cậy, thân thiết của độc giả trong và ngoài nước yêu mến các hoạt động nhân đạo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ý kiến bạn đọc