(NĐ&ĐS)- Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, khi để thương hiệu Khaisilk bán "hàng nhái" suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận, đây là bài học lực lượng quản lý thị trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý trên địa bàn.
- Vụ Khaisilk: Tổng cục Hải quan "lệnh" siết chặt nguồn gốc xuất xứ
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Khaisilk làm xấu đi hình ảnh doanh nghiệp làm ăn chân chính
- Vụ kết luận kiểm tra Khaisilk: Do nhân viên trà trộn hàng dịp 20/10?
- Khaisilk bội tín và bài học chưa bao giờ cũ
Liên quan đến vụ Khaisilk gắn mác hàng Việt Nam, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, quá trình điều tra xử lý phát hiện những sai phạm, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả. Hiện việc này các cơ quan chức năng đang thực thi.
Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, khi để thương hiệu này bán "hàng nhái" suốt một thời gian dài mà không bị phát hiện, ông Lộc thừa nhận đây là bài học lực lượng quản lý thị trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý trên địa bàn.
Theo giải thích của Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, do lực lượng nhân sự quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm chỉ có 20 cán bộ nhưng có tới 20.000 hộ kinh doanh trên địa bàn nên các anh em đều phải căng sức ra để làm rất vất vả, nhất là vào dịp cuối năm.
“Hai cán bộ quản lý thị trường tại địa bàn gồm 1 đồng chí đội phó và 1 cán bộ kiểm soát viên đã bị kỷ luật bằng hình thức hạ 1 bậc khen thưởng”, ông Lộc cho hay.
Trước đó, Bộ Công thương có kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty TNHH Khải Đức và phát hiện nhiều vi phạm hình sự tại Công ty này.
“Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho kết quả kiểm tra khác (Không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”), kết luận nêu rõ.
Một sai phạm khác cũng được chỉ rõ là Công ty đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: (i) một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; (ii) một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Về sản xuất kinh doanh, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Ngoài ra, Công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác. Đồng thời, Công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Trước hàng loạt những sai phạm Công ty TNHH Khải Đức, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đồng thời đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Công ty theo thẩm quyền.
Ý kiến bạn đọc