(NĐ&ĐS) - Vừa qua, các sở, ngành chức năng của TP. Hà Nội đã tiến hành rà soát việc xử lý nước thải công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp và nước thải y tế trên địa bàn thành phố nhằm siết chặt công tác quản lý.

Theo kết quả rà soát, hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 18 khu công nghiệp với tổng diện tích theo quy hoạch gần 3.441ha. Trong đó, có 9 khu công nghiệp tập trung đã đi vào hoạt động với diện tích 1.271ha và khoảng 618 doanh nghiệp thứ phát đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã có 9/9 nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động chính thức và vận nghiệm, đạt tỷ lệ 100%.

Cụ thể, trên địa bàn TP. Hà Nội cũng có 89 cụm công nghiệp đang hoạt động gồm 43 cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định, 46 cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang thu hút các doanh nghiệp vào tổ chức, kinh doanh. Tại 43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đến nay, đã xây dựng hoàn thành và cơ bản hoàn thành 21 trạm xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 48,9%.

Trong đó, có 10 cụm có trạm xử lý nước thải hoạt đang vận hành bình thường; 11 cụm có trạm xử lý nước thải nhưng chưa đi vào vận hành, hoặc vận hành không đạt mà cần phải đầu tư, bổ sung hoặc đang vận hành thử; 1 cụm mới hoàn thành, phần xây dựng, chưa lắp đặt thiết bị; 2 cụm đă có dự án đầu tư đang chuẩn bị xây dựng và 19 cụm chưa có dự án xây dựng trạm xử lý nước thải. Tổng công suất thiết kế của 10 trạm xử lý nước thải đang vận hành là 10.800m3/ngày đêm, thực tế chỉ đang vận hành 3.690m3/ngày đêm (tương đương 34% công suất thiết kế).

nuoc thai
Hà Nội rà soát, siết chặt công tác quản lý nguồn nước thải công nghiệp và y tế.

Liên quan đến rà soát vấn đề xử lý nước thải y tế, với tổng cộng khoảng 5.440 bệnh viện, cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, theo tính toán tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 7.343m3/ngày đêm.

Trong đó có 18/22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 7/14 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 37/41 bệnh viện thuộc thành phố đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo dự án đầu tư được duyệt; 4/41 bệnh viện đang hoàn thiện dự án đầu tư xây dimg hệ thống xử lý nước thải y tế; 29/29 bệnh viện tư nhân ngoài công lập có hệ thống xử lý nước thải; 52 phòng khám đa khoa thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã có hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ HA-18B (D) của Nhật Bản.

Các trạm y tế và các phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế tư đang được sử dụng phương pháp xử lý hoá chất khử trùng bằng Cloramin B trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố, đạt tỷ lệ 100%.

Trước đó, trong năm 2017, Bộ TN&MT đã có yêu cầu mang tính bắt buộc tất cả cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động kết nối với Sở TN&MT tại các tỉnh để kiểm soát và phòng ngừa xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Quy định cụ thể:

Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

"... 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;

c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;

d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này."

Ngoài ra, căn cứ vào lượng nước thải xả ra môi trường mỗi ngày thì hộ gia đình trên còn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Điều 13. Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường

"1. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 02 lần bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ);

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ);

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ);

(*Lưu ý: Thông tin trên mang tính chất tìm hiểu, tham khảo)

Đại Lộc