(NĐ&ĐS) - Việc làm thầm lặng của các tình nguyện viên tại Điểm sơ cấp cứu giao thông đường bộ Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng đã làm giảm thương vong đau đớn cho nhiều người khi không may bị tai nạn giao thông và hơn thế nữa những việc làm này đang lan tỏa mạnh mẽ các giá trị nhân đạo làm cho cuộc sống ngày càng nhân văn và tốt đẹp hơn.
Trong nhiều năm trở lại đây, đoạn đường Quốc lộ 2 bắt đầu từ thị trấn Đoan Hùng qua địa bàn xã Tiêu Sơn rồi đến xã Liên Hoa của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, trở thành điểm đen về TNGT. Ý tưởng thành lập đội cứu nạn giao thông đường bộ tại xã Tiêu Sơn đã được lóe lên và được Hội CTĐ huyện bắt tay ngay vào thực hiện.
Sau một thời gian chuẩn bị, mới đây Điểm sơ cấp cứu giao thông đường bộ Chữ thập đỏ huyện Đoan Hùng đã đi vào hoạt động. Đây là một mô hình điểm về sơ cấp cứu ban đầu nói chung và điểm sơ cấp cứu về tai nạn giao thông nói riêng được xây dựng thành công tại Km Số 102 – Quốc lộ 2, Khu 9, xã Tiêu Sơn.
Để có được một điểm sơ cấp cứu tại xã Tiêu Sơn là một quá trình chuẩn bị lâu dài của những con người tâm huyết trong Đội tình nguyện xã. Đặc biệt, để công tác sơ cấp cứu đi vào hoạt động thường xuyên và có một điểm sơ cấp cứu cố định phải kể tới công lao của hai người là ông Phan Tất Thọ và ông Phạm Văn Học đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức và tiền bạc để có một “trụ sở” rộng rãi, chắc chắn và đầy đủ như hiện nay.
Ông Phạm Văn Học nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện, hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương. Trên cương vị của mình, ông đã nhiều lần đề nghị với các cấp chính quyền tổ chức các lớp sơ cấp cứu để nhiều người dân nắm được những phương pháp sơ cấp cứu ban đầu.
Ông Phan Tất Thọ cũng đã không ngần ngại cho Đội tình nguyện mượn lâu dài mảnh đất mặt đường rộng 100 m2 và toàn bộ khoảng sân rộng trên 200m2 để Đội có thể xây dựng điểm sơ cấp cứu giao thông đường bộ hoàn thiện.
Đến nay, điểm sơ cấp cứu giao thông đường bộ xã Tiêu Sơn có 11 người do ông Phan Tất Thọ làm đội trường, mỗi ngày luôn có 2 thành viên của Đội túc trực tại đây. Với thuận lợi là nhà ông Thọ sát điểm sơ cấp cứu nên công tác túc trực dường như thông suốt 24h/24h. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tương đối đầy đủ với giường bệnh, xe cứu thương, dụng cụ y tế và thuốc men phục vụ nhu cầu sơ cấp cứu cơ bản.
Các tình nguyện viên đều được tập huấn kiến thức cơ bản và nghiệp vụ ứng cứu tai nạn giao thông như: Cách nhận biết và xử lý các vết thương; sơ cứu các vết thương phần mềm, gãy xương, chảy máu, tắc đường thở, băng bó; cách vận chuyển nạn nhân an toàn...
Là cánh chim đầu đàn, người đội trưởng đầy tâm huyết ông Phan Tất Thọ cho biết: “Phải chứng kiến nhiều vụ TNGT thảm khốc, nhiều người tham gia giao thông bị tước đi mạng sống mà mình không giúp được gì cho họ, tôi buồn và ám ảnh lắm. Chúng tôi có thể góp của, góp công, chỉ cần người hướng dẫn dậy chúng tôi kỹ năng sơ cấp cứu thì nhiều người sẽ được cứu sống. Và Hội CTĐ huyện Đoan Hùng đã giúp tôi thực hiện được tâm nguyện đó”.
Hoạt động của đội cứu nạn xã Tiêu Sơn như được chắp thêm cánh từ khi Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương được thành lập, mạnh thường quân Phạm Văn Học đã mua thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên và người nhà của họ để họ yên tâm gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng" này.
Để tạo điều kiện cho đội cứu nạn hoạt động có hiệu quả, đầu năm 2019, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã tặng cho Hội Chữ thập đỏ Đoan Hùng một xe cứu thương, trang bị trực tiếp cho đội cứu nạn và đầu tư phần lớn kinh phí xây trụ sở chốt cứu nạn, làm nơi để các thành viên trong đội “ứng trực” tiếp nhận thông tin.
Từ khi được trang bị xe cứu thương, Đội tình nguyện không những tham gia cứu nạn giao thông, mà bất cứ ở đâu trong hay ngoài huyện có người bị tai nạn lao động, đột quỵ, các thành viên đội cứu nạn đều có mặt cấp cứu kịp thời.
Không những trực tiếp tham gia cứu nạn, sơ cấp cứu chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế, các thành viên trong đội cứu nạn còn tích cực hướng dẫn người dân cách sơ cấp cứu, tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo.