(NĐ&ĐS) - Gần 300 đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V, là là những tấm gương sáng xuất hiện ở nhiều vùng miền, lĩnh vực khác nhau nhưng mỗi người đã viết nên những câu chuyện của tình yêu thương vì con người, vì cuộc sống cộng đồng.

Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V (57 tin)

Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V giai đoạn 2020 - 2025 đã hội tụ gần 300 đại biểu đại diện cho hàng triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước và những cá nhân điển hình tiêu biểu khác trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động. 

DSC_9178
19 cá nhân nhận danh hiệu “Hội viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc”

Phong trào thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một phong trào quần chúng đặc biệt. Đặc biệt bởi vì đó là thi đua làm nhân đạo, thi đua trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt bởi vì những con người làm nên phong trào ấy không thi đua vì lợi ích của mình mà thi đua vì người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Trong 5 năm qua, hòa chung trong các phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân, phong trào thi đua yêu nước của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tổ chức ngày càng toàn diện, có sức lan tỏa trong cộng đồng, trở thành phong trào làm việc thiện của toàn dân, phát triển ngày càng sâu rộng, bám sát đối tượng, địa bàn, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều phong trào, cuộc vận động đã trở thành "thương hiệu" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, điển hình hay làm cho điều tốt, điều hay được nhân lên, lấn át cái xấu, cái tiêu cực, người dân được ấm no hạnh phúc, sống có trách nhiệm, nghĩa tình. Đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của các tập thể, cá nhân hết lòng vì sự nghiệp nhân đạo, chia sẻ với những người gặp khó khăn, hoạn nạn... 

DSC_8884
Giao lưu, toạ đàm của các cá nhân điển hình của công tác nhân đạo

Đó là Nhóm thiện nguyện chia sẻ - Sharing của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh do Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân tập hợp vận động với hàng chục thành viên đồng hành với Hội Chữ thập đỏ, bước chân của họ đi tới nhiều nơi khó khăn nhất, gắn bó với bà con vùng sâu, vùng xa mang đến cho người dân vùng cao Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn gần 500 căn nhà Chữ thập đỏ cùng hàng ngàn căn nhà dành tặng các cựu chiến binh Hà Giang, mang đến những dòng nước ngọt từ các giếng khoan trong mùa hạn mặn giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình ở các tỉnh miền Tây có nước để dùng; là hàng trăm cây cầu, con đường để người dân đi lại trong mùa nước lũ, trẻ em được đến trường, hàng ngàn chiếc phao cứu sinh cho chiến sĩ Trường Sa và ngư dân.

Đó là tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên huyện Bát Xát và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai hưởng ứng Cuộc vận động " Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" đã tham gia gắn địa chỉ nhân đạo giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi, tàn tật.

Đó là hàng trăm bếp ăn tình thương ở các tỉnh, thành: An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội luôn đỏ lửa để có những bữa cơm, cháo phục vụ người bệnh.

Đó là trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của Hội CTĐ TP. Cần Thơ, Đà Nẵng, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương của Trung ương Hội đã truyền lửa yêu thương, hỗ trợ bao mảnh đời trẻ em bất hạnh. Đó là gần 500 phiên chợ nhân đạo - phiên chợ của tình người, phiên chợ của những nụ cười hạnh phúc của các tỉnh trong Tháng Nhân đạo... mang đến cho hàng chục ngàn người dân ở nhiều vùng miền của tổ quốc những món hàng thiết yếu trong mùa đại dịch covid- 19.

Là câu chuyện về chị Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Cam Nghĩa, Nha Trang, Khánh Hòa đã 97 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Là câu chuyện ngân hàng bò của đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, câu chuyện nuôi bò của ông Nguyễn Mạnh Thản, Công ty Cổ phần Ao Vua đã cấp hơn 6 tỷ đồng cho bà con nghèo vay không lấy lãi để phát triển mô hình "Ngân hàng bò" của Hội, giúp cho hàng trăm gia đình khó khăn có việc làm, thu nhập ổn định.

nghe-an
Các chiến sĩ áo đỏ dầm mưa cứu trợ tại Thanh Xuân, Thanh Chương (Nghệ An)

Về vùng bão lũ miền Trung trong những ngày tháng 9-10/2020, hình ảnh những chiến sỹ áo đỏ các cấp Hội lăn lộn trong mưa lũ luôn bám dân, vào vùng nguy hiểm giúp dân sơ tán, cung cấp kịp thời lương thực nước uống. Câu chuyện về người Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Thắm và rất nhiều gương cán bộ Hội khác đã gác lại chuyện nhà mình đang bị ngập lụt để vào vùng tâm lũ cùng đồng nghiệp cứu dân đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp của người dân với "chiến sĩ áo đỏ".

Đội Thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ của thành phố mang tên Bác mỗi năm vận động nguồn lực khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người ở các tỉnh Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Gắn với mỗi con phố, tên đường quen thuộc của Thủ đô Hà Nội đã hình thành nên “Tuyến phố hiến máu”, “Gia đình, dòng họ hiến máu”; “Gia đình Chữ thập đỏ”, “Chốt sơ cấp cứu” làm đẹp thêm truyền thống văn hiến, thành phố vì hòa bình.

Đó là những tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ đắm mình vào những phong trào, thấm đẫm truyền thống nhân ái của cha ông truyền lại làm những việc nhỏ nhưng nghĩa lớn qua các mô hình: Thùng gạo tiết kiệm, nuôi heo đất, giúp bạn đến trường...

Chuyện về một người khát khao hiến “sự sống”- anh Phạm Văn Thọ ở xã Đức Thắng, Hiệp Hòa Bắc Giang. Thông qua Hội Chữ thập đỏ, nhiều lần anh viết đơn xin hiến thận, hiến gan, hiến xác và giúp thành công mang lại sự sống cho 1 em bé nhà nghèo xa lạ ghép quả thận của mình. Anh nói: “Tôi muốn qua việc làm của mình để gửi đến mọi người thông điệp là hãy sống có tình người, san sẻ sự sống cho nhau để cuộc đời này được tốt đẹp hơn”.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Hội viên Chữ thập đỏ ở thị trấn Trại Cau, Thái Nguyên hơn 30 năm làm từ thiện, "nức tiếng" cả vùng, bình quân mỗi năm giúp hàng trăm triệu đồng cũng chỉ với tâm niệm: "Làm để tích Phúc, Đức cho con cháu về sau" và còn rất nhiều những tấm gương khác trong cộng đồng đã và đang đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người bất hạnh trong xã hội.

Đó là những tập thể, cá nhân tiêu biêu bằng nhiều suy nghĩ và hành động khác nhau, nhưng họ đã viết nên những câu chuyện của tình yêu thương con người.

Lã Hằng