(NĐ&ĐS) - Trong 4 năm (2016-2020) thành phố Hải Phòng hoàn thành xây dựng xong 55 cây cầu, trong 5 năm tiếp theo (2021 - 2025) thành phố dự định tiếp tục phấn đấu xây dựng trên 100 cây cầu nối tất cả những tuyến giao thông huyết mạch giữa các quận, huyện trong nội thị thành phố cũng như các tỉnh lân cận.

Nội đô thành phố Hải Phòng được bao quanh bởi các dòng sông. Những cây cầu đã góp phần nối liền giao thương các quận huyện vùng ven với trung tâm thành phố. Điển hình Cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ kết nối giao thương trung tâm với huyện Thủy Nguyên; cầu Rào I, cầu Rào II nối trung tâm với quận Đồ Sơn, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy. Cầu Niệm kết nối với quận Kiến An và các huyện phía Nam thành phố như An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Cầu An Dương, An Đồng nối trung tâm với huyện An Dương. Đặc biệt hơn các huyện của Hải Phòng đều được phân định mốc giới bởi các dòng sông thông qua những cây cầu. Chính vì vậy, xây dựng cầu giúp kết nối đồng bộ hệ thống giao thông thành một thể thống nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố Hải Phòng.

thang_07371
Cầu Tân Vũ- Lạch Huyện tại thành phố Hải Phòng là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Tính đến hết năm 2019, địa bàn thành phố Hải Phòng có 81 cây cầu với tổng chiều dài các cầu đạt 25,5 km đã và đang được xây dựng, trong đó có hơn 70 cây cầu được đưa vào khai thác, sử dụng trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường nông thôn và các tuyến quốc lộ. Những cây cầu tạo ra sự kết nối giữa ngoại thành với nội thành, giữa Hải Phòng với các tỉnh, mở ra triển vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trong năm 2021, thành phố Hải Phòng dự kiến hoàn thành 5 cầu: cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh, cầu qua sông Đa Độ (đã hoàn thành tháng 1/2021 trong Dự án đường 403 (ĐT.363) giai đoạn 2, huyện Kiến Thụy.

Dự kiến đề xuất, thông qua HĐND thành phố năm 2021 là 57 cầu, gồm: 3 cầu kết nối vùng (cầu Lại Xuân qua sông Đá Bạc nối Thủy Nguyên - Đông Triều; cầu Nghìn 2 qua sông Hóa nối với Dự án BOT từ thành phố Thái Bình – cầu Nghìn; cầu Lô Đông qua sông Hóa nối xã Vĩnh Long, Vĩnh Bảo - xã An Khê, Quỳnh Phụ); 7 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 41 cầu trong các quận, huyện; 5 nút giao khác mức; 1 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến đề xuất, thông qua HĐND thành phố là 29 cầu, gồm: 2 cầu kết nối vùng (cầu qua sông Hóa nối xã Vinh Phong, Vĩnh Bảo – xã Thụy Ninh, Thái Thụy; cầu qua sông Hóa nối xã Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo – Khu di tích Đền A Sào, xã An Thái, Quỳnh Phụ); 6 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 8 cầu trong các quận, huyện; 7 nút giao khác mức; 6 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Hiện nay Hải Phòng là địa phương hàng đầu cả nước về thực hiện các dự án xây dựng cầu, đường. Những cây cầu đã và đang xây dựng trên địa bàn thành phố không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn “đánh thức” cả những vùng đất hoang hóa, khó khăn.

Các dự án cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa… giúp địa phương vốn thuần nông như huyện Tiên Lãng hình thành nên các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư thu hút hàng vạn lao động.

Huyện Vĩnh Bảo phát triển công nghiệp dịch vụ tại xã Tân Liên ven quốc lộ 10. Từ cầu Bính và nay có thêm cầu Hoàng Văn Thụ, vùng đất Thủy Nguyên đổi mới toàn diện và đang hình thành khu đô thị Bắc sông Cấm. Tới đây, khi cầu Nguyễn Trãi hoàn thành, huyện Thủy Nguyên càng đón cơ hội phát triển mới…

Các tuyến liên tỉnh với cầu Bạch Đằng, cầu sông Hóa và tới đây là cầu Quang Thanh, cầu Rừng và cầu Dinh sẽ bảo đảm sự kết nối liên vùng Duyên hải Bắc bộ với Hải Phòng giữ vai trò vị trí trung tâm, thúc đẩy giao thương hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.

100 cây cầu trong tương lai sẽ kết nối nhịp sống bên những dòng sông, kết nối mong ước đôi bờ và kết nối các nhà đầu tư. Hải Phòng tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng với tên gọi “thành phố của những cây cầu”.

Minh Hưng