(NĐ&ĐS) - Hội CTĐ huyện Tịnh Biên (An Giang) đã vận động được lực lượng thầy thuốc tình nguyện tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp đông, tây y kết hợp với vật lý trị liệu.
Tịnh Biên là huyện miền núi của tỉnh An Giang, có đường biên giới giáp với Campuchia. Địa bàn bán sơn địa vừa có đồi núi vừa có đồng bằng trong đó dân tộc Khơmer chiếm gần 30% dân số. Bà con đa số theo đạo Phật, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ. Tuy nhiên, các hộ nghèo, cận nghèo và hộ có đời sống khó khăn còn chiếm tỷ lệ khá cao so với các huyện trong tỉnh.
Xuất phát từ tình hình trên, nhằm chia sẻ cùng với ngành y tế cũng như gia đình của các bệnh nhân, nhất là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đầu năm 2012, Hội Chữ thập đỏ huyện Tịnh Biên đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện về chủ trương thành lập phòng khám, chữa bệnh nhân đạo. Hội đã vận động được lực lượng thầy thuốc tình nguyện tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp đông, tây y kết hợp với vật lý trị liệu.
Bước đầu, Phòng khám gặp không ít khó khăn như: Kinh phí không có để bồi dưỡng nhân viên, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo cho công tác khám và điều trị bệnh; trong khi đó số lượng bệnh ngày một tăng cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, phòng khám nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự tham gia đóng góp nhiệt tình của các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp giúp đỡ xây dựng cơ sở, trang thiết bị và nuôi dưỡng hoạt động của phòng khám nhân đạo trong thời gian qua.
Phòng khám hiện có 14 nhân viên là các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, lương y, kỹ thuật viên vật lý trị liệu... Đây là toàn bộ tình nguyện viên tham gia hoạt động một cách tự nguyện, với trên 70 giường bệnh trong đó có 50 giường lưu bệnh ưu tiên cho bệnh nhân nhà xa, đi lại khó khăn tốn kém, bệnh nhân điều trị được miễn phí hoàn toàn. Ngoài ra bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh được cơ sở Chữ thập đỏ bệnh viện cung cấp cơm cháo và nước sôi miễn phí.
Bình quân mỗi ngày phòng khám phục vụ từ 95 đến 150 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân nội trú khoảng từ 32 - 35 người, ở khắp các tỉnh thành và có cả bệnh nhân ở Campuchia sang điều trị bệnh. Kết quả hoạt động từ năm 2012 đến nay đã khám điều trị cho trên 700.000 lượt bệnh nhân hoàn toàn miễn phí. Giá trị hoạt động mang lại cho xã hội mỗi tháng trên 300 triệu đồng.
Ngoài nhiệm vụ hoạt động khám và điều trị phục vụ bệnh nhân, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, phòng khám nhân đạo thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND và Ban Chỉ đạo huyện, Phòng khám chuyển sang làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh từ Campuchia về, đến nay đã 5 đợt với tổng số người được cách ly tại phòng khám là 356 lượt người mỗi đợt cách ly gần 01 tháng, có 10 nhân viên phòng khám tham gia phục vụ hậu cần 24/24.
Với những thành quả đạt được trong thời gian vừa qua, Phòng khám đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.