NSND Tiến Đạt đóng vai ông Tài trong phim Cô Gái Nhà Người Ta được đông đảo khán giả chú ý với khả năng diễn xuất. Bên cạnh đó đời tư của ông tốn không ít giấy mực của báo chí. Chuyện tình của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ, một cuộc sống bình dị và vô cùng hạnh phúc
Thông Tin
Full Name | Chuyện tình "Ngưu Lang - Chức Nữ" suốt nhiều năm của đại gia trong phim Cô Gái Nhà Người Ta |
---|---|
Genre | Giải trí |
Latest Update | 12 Tháng Hai, 2020 |
Trong bộ phim Cô Gái Nhà Người Ta, đại gia làng – ông Tài (NSND Tiến Đạt) dù không phải vai chính nhưng vẫn để lại được nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Ông Tài là chủ xưởng dệt giàu có ở trong làng. Được biết, xưởng dệt của ông Tài có nhiều hoạt động xả thải sai quy định, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Vậy nhưng, ông ta vẫn rất sắc sảo phản pháo, đánh phủ đầu những bạn trẻ muốn vạch trần sai trái của ông.
Thành công gây ấn tượng với nhân vật phản diện nhưng ngoài đời, NSND Tiến Đạt lại có cuộc sống hết sức giản dị. Ông còn có chuyện tình “vợ chồng ngâu” khiến nhiều khán giả xúc động mỗi lần nhắc tới.
Sự nghiệp vững vàng với nhiều giải thưởng danh giá
Trước nhân vật đại gia làng trong Cô Gái Nhà Người Ta, NSND Tiến Đạt từng góp mặt trong các dự án phim lớn như: Chạy Án, Đứng Trước Một Công Trình, Xin Thề Anh Nói Thật, Mắc Cạn…
Đam mê, có tài năng diễn xuất và tinh thần kính nghiệp, nghệ sĩ sinh năm 1953 đã có được nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương Bạc vở Thầy Khóa Làng Tôi do Bộ Văn hóa Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng (năm 1999). Vở Cát Bụi đã giúp NSND Tiến Đạt đạt Huy chương Vàng do Bộ Văn hóa Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng vào năm 2004.
Tony Nguyễn trong “Chạy Án”
Tới năm 2006, vai Tony Nguyễn trong Chạy Án thành công giúp ông đạt giải Vai diễn xuất sắc nhất do Tạp chí Truyền hình Việt Nam bình chọn.
Năm 2012, ông đạt Huy chương Vàng vở diễn Những Mặt Người Thấp Thoáng do Bộ Văn hóa Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng. Vở diễn Những Người Con Hà Nội tiếp tục giúp ông đạt giải Vàng vào năm 2014 do Sở Văn hóa Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng.
Chuyện tình “vợ chồng ngâu”, biết ơn bà xã suốt đời
Người vợ hơn 40 năm của NSND Tiến Đạt là nghệ sĩ Hồng Loan. Hai vợ chồng học cùng lớp diễn viên trường Sân khấu Việt Nam khóa 68 – 71 và bà Hồng Loan là lớp trưởng khoa kịch nói. NSND Tiến Đạt từng tiết lộ không chỉ ông mà các bạn học cùng khóa đều ấn tượng trước cô lớp trưởng gương mẫu, chịu khó và cầu toàn.
Ra trường, cả hai cùng được phân về Quảng Ninh công tác. Hai người trẻ cùng là dân gốc Hà Nội, chung hoàn cảnh xa nhà đã đùm bọc và giúp đỡ nhau rồi nảy sinh tình cảm.
Nhưng sau 2 năm bên nhau, Hồng Loan được chuyển về Tổng cục xây dựng kinh tế (trước đó là đoàn kịch Trường Sơn). Cặp đôi bắt đầu chuỗi ngày yêu xa, vun đắp tình cảm bằng những cánh thư lãng mạn. Không ít lần, Tiến Đạt tới đoàn thăm người yêu nhưng không gặp được vì đúng dịp Hồng Loan phải đi lưu diễn.
Năm 1974, Hồng Loan chuyển công tác về đoàn kịch Trung Ương tại Hà Nội còn Tiến Đạt vẫn công tác ở Quảng Ninh. Cặp đôi tiếp tục trải qua chuyện tình “Ngưu Lang – Chức Nữ” tới tận năm 1978 thì nên duyên vợ chồng.
Vợ chồng NSND Tiến Đạt khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi đã vượt qua khó khăn của việc yêu xa.
NSND Tiến Đạt cho biết hơn 40 năm qua, nhờ bản tính dịu dàng, đằm thắm, luôn đặt gia đình lên trên hết mà nghệ sĩ Hồng Loan đã có thể “buộc chân” ông lại. Đức hy sinh cao cả của bà xã đã giúp mái ấm của NSND Tiến Đạt tránh được mặt trái của nghệ thuật. Ông từng tâm sự với báo chí: “Hồng Loan là người vợ tôi biết ơn suốt đời.”
Có “vợ hai” làm đẹp cho đời, “vợ ba” tốn kém
Cụ thân sinh ra NSND Tiến Đạt là nghệ nhân Tiến Thành với nghề may nổi tiếng những thập niên 40 – 50. Dù là con út nhưng NSND Tiến Đạt được cha truyền lại nghề. Nghề tay trái này được ông ví là người vợ thứ hai của mình.
Nghề may không chỉ làm đẹp cho đời mà còn giúp ông có “cần câu cơm”, ổn định cuộc sống. Vì làm nghệ thuật có rất nhiều khi cuộc sống vật chất rất bấp bênh.
Bên cạnh đó, NSND Tiến Đạt còn có một cô “vợ ba” rất tốn kém đó là niềm đam mê với âm thanh. Ông quan niệm thú chơi này không chấp nhận những tâm hồn cằn cỗi, một khi đã bật âm thanh lên đồng nghĩa với việc mang niềm vui đến cho cả gia đình.
Dù vậy, ông vẫn cố hết sức kiềm chế những ham muốn ích kỷ của bản thân cho thú chơi tiêu khiển này để gìn giữ cuộc sống gia đình. Bởi theo ông, việc vợ chiều theo những sở thích của chồng không đồng nghĩa với việc cảm thông cho những chi phí đắt đỏ phục vụ sở thích đó.
Theo Eva.vn