Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản đầu năm 2019 sẽ có những tác động nhiều chiều. Mặc dù sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả người mua nhà nhưng để tránh bong bóng, việc siết chặt này là cần thiết.
Thị trường bất động sản phụ thuộc khá lớn vào tín dụng ngân hàng, do vậy lộ trình "siết" tín dụng bất động sản khiến cho nhiều doanh nghiệp tỏ ra quan ngại. Thậm chí, nhiều dự báo cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Tại toạ đàm Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng & Cơ hội đầu tư do Reatimes tổ chức ngày 11/12, nhiều ý kiến đề cập xung quanh vấn đề này.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết thực tế thời gian vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã quản lý những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, các dự án BT, BOT.
Mặc dù đã kiểm soát song dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản vẫn ở đà tăng ở 8 - 10%/năm. So với mức tăng tín dụng 15 - 17% của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, tính đến cuối 2018 dư nợ cho vay bất động sản ước tính khoảng 7,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu tính cả, cho vay bất động sản và xây dựng thì tỷ trọng này lên đến 16,5%, còn nếu tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà trong cho vay tiêu dùng thì tổng dư nợ kinh doanh bất động sản, xây dựng và liên quan đến nhà ở chiếm đến 22,5 % tổng dư nợ nền kinh tế.
“Đây là một con số không hề nhỏ”, ông Cấn Văn Lực nhận xét.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản đầu năm 2019 sẽ có những tác động nhiều chiều.
Cụ thể đối với các nhà kinh doanh bất động sản thì đây là điều bất lợi vì chi phí vốn tăng qua việc lãi suất cho vay bất động sản tăng.
Còn đối với người mua nhà thì đó cũng không phải là điều tích cực vì lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng trả nợ của người dân khi mua nhà, chính vì thế nhiều người có thể không có khả năng mua nhà hoặc mua được thì cũng vất vả trả nợ.
Tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trên phương diện vĩ mô thì việc thắt chặt cho vay và đặc biệt cho vay bất động sản hạn chế rủi ro bong bóng bất động sản. Bởi bong bóng bất động sản thường xảy ra khi các ngân hàng dễ dàng cho vay với lãi suất thấp và từ đó rủi ro xuất hiện.
“Ở chiều ngược lại khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt và lãi suất cao bắt buộc cá nhà kinh doanh bất động sản phải hạn chế hoạt động kinh doanh bất động sản của mình. Ngay cả người mua bất động sản khi đi vay sẽ rất tính toán trong việc vay ngân hàng vì lãi suất cao”, ông Hiếu nhận định.
Điều này theo ông Hiếu sẽ làm cho thị trường bất động sản sẽ phát triển chậm nhưng có độ ổn định cao. Do vậy việc siết nguồn vốn tín dụng là điều cần thiết để thị trường bất động sản không rơi vào tình trạng bong bóng.
Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc chưa nên áp dụng quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc siết vốn nói trên là chưa cần thiết, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Lý lẽ ông Châu đưa ra là, không chỉ doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn vay trung, dài hạn từ ngân hàng để hoạt động kinh doanh, mà ngay cả vốn huy động trước từ khách hàng cũng có phần không nhỏ từ vốn vay ngân hàng. Kiến nghị trên của HoREA đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, có quan điểm thì ủng hộ, có ý kiến thì trái chiều.