(NĐ&ĐS) - Năm 2020 đánh dấu chặng đường 74 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trên hành trình ấy, vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định trong khu vực và quốc tế. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Nhìn lại 74 năm hình thành và phát triển (23/11/1946 – 23/11/2020), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc. Hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương của Đảng và định hướng công tác của Hội, hướng về cơ sở.
Các cấp Hội tiếp tục tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện Luật hoạt động chữ thập đỏ, các văn bản pháp luật, các chỉ thị về công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; đồng thời tham mưu triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhiệm vụ bám sát nội dung, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội các cấp, sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội và lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương, góp phần tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định trong khu vực và quốc tế. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm nay là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tự hào ôn lại bề dày truyền thống 74 năm của Hội, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm là “sứ giả nhân đạo” sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
Năm 2020, Việt Nam và thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá, lũ lụt trên diện rộng trải dài từ Bắc đến Nam ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao, nổi bật là công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng Nhân đạo” 2020 và triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tổng giá trị hoạt động nhân đạo của các cấp Hội trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 2.409 tỷ đồng (bằng 56% tổng giá trị hoạt động của cả năm 2019, hiệu quả hoạt động đạt trên 8 lần kinh phí nhà nước cấp cho Hội).
Năm 2020 cũng được đánh dấu bởi nhiều sự kiện, hoạt động của toàn Hội tạo được ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn: Đại hội thi đua toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V; Tổng kết 10 năm Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và ban hành Chiến lược mới của Hội giai đoạn 2021 – 2030; Hội nghị Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia khu vực Đông Nam Á lần thứ 17; Tổng kết 10 năm Luật hoạt động chữ thập đỏ; Chính thức khởi động giai đoạn 2 nền tảng nhân đạo số (iNHANDAO) thuộc Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ ứng dụng công nghệ để “kết nối” những trái tim nhân ái với các địa chỉ nhân đạo, góp phần thực hiện hiệu quả hơn Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”…
Trong giai đoạn tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên cả nước cần đẩy mạnh hoạt động gắn với các nhiệm vụ nhân đạo để tiếp tục khẳng định hình ảnh, vị thế của tổ chức, phấn đấu “Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác nhân đạo và phong trào Chữ thập đỏ trong tình hình mới”; Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới”.