(NĐ&ĐS) - Câu lạc bộ hiến máu phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được thành lập đã cung cấp lượng máu dự bị rất lớn, giúp cho nhiều bệnh nhân được cấp cứu, chữa trị kịp thời.

Khó khăn cùng thử thách

Chị Nguyễn Thị Thanh Minh (sinh năm 1966, ngụ số nhà 460 Ngô Quyền, khu phố 3, phường Vĩnh Lạc) đã có hơn 15 năm làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ hiến máu của phường. Chị luôn chia sẻ với mọi người: Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, bởi “Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”, vận động tình nguyện viên hiến máu cứu người là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.

minh-1
Chị Minh vận động tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo

Nói về việc duy trì Câu lạc bộ hiến máu, chị Minh cho biết: "Có lần mình chứng kiến bệnh nhân bị tai nạn lao động, cần truyền máu. Năm đó (2005), Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thiếu máu dữ dội, người nhà bệnh nhân tìm mua máu của người hiến cũng khó. Từ đó, mình có ý tưởng xây dựng câu lạc bộ hiến máu để kết nối với Khoa huyết học tỉnh. Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”.

Chị nhớ lại ngày đầu tiên đưa ra ý kiến xây dựng Câu Lạc bộ hiến máu tình quyện, nhiều người băn khoăn, không tin chị xây dựng được mô hình. Vì thời điểm ấy, nhận thức hiến máu của người dân còn hạn chế. Dù không được sự đồng tình, hưởng ứng cao, nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện. Chị nhờ công an phường lập danh sách độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi. Chị xin ý kiến được Ủy ban nhân phường chấp thuận, rồi Hội Chữ thập đỏ cấp trên ủng hộ. Thế là chị đến khu dân cư tuyên truyền, vận động thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo, và đã có 21 thanh niên đăng ký. Nhưng khi chị liên hệ với Khoa huyết học tổ chức tiếp nhận máu thì chỉ có 9 tình nguyện viên thực hiện.

Không bất mãn, lùi bước trước khó khăn, chị chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ phường tổ chức tọa đàm về ý nghĩa, hiến máu nhân đạo, 29 đại biểu dự Hội nghị bầu chị làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của phường Vĩnh Lạc.

minh
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh đứng ngoài cùng bên phải

Cái khó là mỗi khi tổ chức hiến máu các thành viên đều bận công việc. Chị Minh phải tốn công vận động các tình nguyện viên, rồi vận động các nhà tài trợ xây dựng quỹ hỗ trợ cho tình nguyện viên khi tham gia hiến máu nhân đạo. Từ đó, tình nguyện viên tham gia câu lạc bộ hiến máu tăng lên được 31 thành viên.

Đến năm 2016, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của chị Minh đổi tên thành Câu Lạc bộ hiến máu dự bị. Hôm ra mắt Câu Lạc bộ, nhiều người tấm tắc khen chị làm được việc. Mỗi năm Câu lạc bộ hiến máu của chị đã có trên 70 lượt tình nguyện viên hiến tặng máu, giúp cứu sống hàng chục bệnh nhân.

Thoát chết nhờ giọt máu nhân đạo

Anh T. quê ở Đồng Tháp nói: "Không nhờ chị Minh thì con tui chết rồi, còn đâu làm kỹ sư xây dựng”. Ấy là vì cách đây vài năm, khi con anh bị tai nan giao thông, cần truyền máu gấp. Nghe tin, chị Minh tức tốc cử ba thành viên chạy ra Khoa huyết học tỉnh Kiên Giang làm các xét nghiệm đúng nhóm máu hiến cho con anh.

Không chỉ riêng con anh T., anh Đ. ở thành phố Rạch Giá cũng thoát chết nhờ chị Minh huy động các thành viên trong Câu lạc bộ mới có nhóm máu hiếm để bác sỹ ứng cứu. Sau khi được cứu, thấy bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chị Minh lại âm thầm đi vận động bà con "lá lành đùm lá rách" hỗ trợ tiền cho bệnh nhân khó khăn.

Chị Minh 2
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh 

Nhiều lần vận động, chị nghĩ ra cách xin phép chính quyền lập thùng từ thiện trên cơ sở tự nguyện. Cứ mỗi lần khui thùng từ thiện, chị lại bồi dưỡng cho các thành viên tham gia hiến máu nhiều lần, tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí, thăm hỏi các đối tượng khó khăn; cấp phát cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo.

Chi Minh bộc bạch: “Anh em tình nguyện viên trong câu lạc bộ hiến máu với tấm lòng và chữ tâm. Tôi thường giữ lại 10 – 15 tình nguyện viên để phục vụ cho bệnh nhân khi Khoa huyết học cần máu sống, máu hiếm”.  

Cứ mỗi đợt Hội Chữ thập đỏ thành phố Rạch Giá phát động hiến máu thì nửa tháng trước đó, chị cùng các thành viên trong Câu lạc bộ họp bàn rồi tỏa đi vận động. Vất vả cả tháng trời nhưng đến ngày hiến máu nhân đạo, thấy các tình nguyện viên tham gia đông đúc, chị mừng ra mặt. Bởi theo chị, được đóng góp công tác nhân đạo, giúp người bệnh vượt qua nguy kịch là niềm vui, hạnh phúc.

Không né tránh việc làm từ thiện

Làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo không có đồng lương, nhưng chị lại luôn miệt mài với công việc. Nhiều lúc các con phàn nàn chuyện chị "vác tù và hàng tổng", chị hay trần tình: “Mẹ chỉ làm chuyện nhỏ thôi, có nhiều người còn làm việc thiện hơn mẹ. Tham gia công tác nhân đạo tối mẹ ngủ ngon hơn”.

Chị Minh nói vui: "Có lần mình thoái thác không làm Chủ nhiệm câu lạc bộ nhưng tình nguyện viên tín nhiệm lại bầu. Thôi thì việc đến tay, né sao được". Các con biết sự thành tâm, nhiệt huyết của chị với công tác từ thiện nên cũng ủng hộ, mấy năm nay người thân đã cùng chị tham gia làm nhiều việc từ thiện cho xã hội.

Trưởng Khoa huyết học tỉnh Kiên Giang, khẳng định: “Có một Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo như chị Minh là may lắm. Nhờ có chị nên Khoa huyết học kịp thời đáp ứng nguồn máu cho bác sỹ cứu sống nhiều bệnh nhân”.

Ông Lưu Kim Oai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, thì nói: Việc thành lập Câu lạc bộ hiến máu dự bị là điều vô cùng quan trọng, đã giúp cho bệnh viện hoặc Hội chữ thập đỏ có thể nhanh chóng liên hệ tới các thành viên trong câu lạc bộ trong những trường hợp bệnh nhân cần truyền máu khẩn cấp. Câu Lạc bộ hiến máu phường Vĩnh Lạc , thành phố Rạch Giá được hình thành và phát huy vai trò của mình là nhờ Nguyễn Thị Thanh Minh tập hợp tình nguyện viên, động viên và nêu rõ ý nghĩa của hiến máu nhân đạo thì mới có nhiều người hưởng ứng được vậy”.

(Bài dự thi Cuộc thi viết Tôi tình nguyện 2020)