Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV cần liên tục và suốt đời. Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hàng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua Quỹ BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý.
- Khám, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV
- BHYT - nguồn tài chính bền vững cho những người nhiễm HIV/AIDS
- 48.000 người nhiễm HIV/AIDS sẽ nhận thuốc ARV bằng BHYT
Chia sẻ của một người đã chung sống với HIV gần 7 năm rằng; Nếu không có tấm thẻ BHYT làm chỗ dựa, có lẽ cuộc đời anh đã chấm dứt từ lâu khi biết mình có HIV trong người. Mọi thứ ập đến, cuộc sống khủng hoảng, anh chỉ muốn chết đi để không làm khổ bố mẹ, vợ con…cũng may sao có thẻ BHYT là chỗ dựa vững chắc khi cuộc đời của mình đen tối nhất”
Hiện cả nước có khoảng 200 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 140.000 người nhiễm được điều trị bằng thuốc ARV. Trong thời gian vừa qua, Quỹ BHYT chi trả cho điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người bệnh nhiễm HIV có thẻ BHYT. Việc điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế. Nhưng hiện các nguồn này đã kết thúc vào năm 2018.
Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược - Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, mục tiêu của Chính phủ đề ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Chính vì vậy, khi các nguồn viện trợ không còn cho việc điều trị này thì Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Để đảm bảo tính bền vững trong điều trị HIV/AIDS, Chính phủ đã có chủ trương sử dụng nguồn từ Quỹ BHYT để thay thế. BHYT sẽ góp phần cùng với nguồn tài chính khác của Nhà nước nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho những người không may nhiễm HIV.
Ông Phúc cho biết, để chuẩn bị cho việc này, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiện toàn và ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV. BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Y tế xác định nhu cầu, đấu thầu mua thuốc, cung ứng thuốc ARV đến cơ sở điều trị, thanh quyết toán với mục tiêu điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người bệnh.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng KCB BHYT; khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên triển khai KCB BHYT ở 188 cơ sở và dự kiến đến hết năm sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT. Số tiền quỹ BHYT thanh toán ước tính khoảng 130 tỉ đồng/năm.
Để người có HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.
Bên cạnh đó, BHXH sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT. Đồng thời, BHXH sẽ tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; chỉ đạo, triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị….