(NĐ&ĐS) - Mặc dù chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thế nhưng phần lớn diện tích mặt bằng tại dự án Danko City Thái Nguyên đã được chủ đầu tư tự ý san lấp. Điều đáng nói, ước tới hàng vạn m3 đất mà Chủ đầu tư sử dụng để san lấp mặt bằng này chưa xác định rõ nguồn gốc lấy từ đâu?

Qua tìm hiểu Dự án Danko City - Danko City Thái Nguyên (sau đây viết tắt là Dự án), nằm trên địa bàn phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích gần 50ha do Công ty Cổ phần tập đoàn Danko (sau đây viết tắt là Công ty) làm chủ đầu tư.
danko-1
Hợp đồng nguyên tắc về việc cung cấp đất được ký ngày 4/12/2019, giữa Công ty Danko và Công ty Việt Cường 
Tính đến thời điểm hiện tại, việc san lấp mặt bằng của Dự án đã được chủ đầu tư thực hiện hoàn thiện tới khoảng 70% và bước đầu rao bán đất nền. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây, mặc dù đã san lấp một diện tích rất lớn như trên nhưng đến nay Dự án này vẫn chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
  
Ngày 18/12/2019, trao đổi với Báo chí, ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Cho đến nay, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên chưa thẩm định ĐTM cho Dự án Danko City Thái Nguyên. Việc Dự án chưa có ĐTM mà đã thực hiện việc san lấp mặt bằng là việc làm không phù hợp với quy định của pháp luật”.
 
Về sự việc, để biện minh cho việc làm trái quy định của mình, tại Biên bản làm việc ngày 04/12/2019 giữa Phòng TN&MT thành Phố Thái Nguyên và đại diện chính quyền phường Chùa Hang và Cao Ngạn, đại diện phía Công ty Danko nêu ý kiến: “Do hiện nay một số khu vực dân cư đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho Công ty nhưng lại tiếp tục canh tác, vì vậy Công ty phải tổ chức đổ đất san lấp để tránh tái lấn chiếm”.
received_445686746381254
received_1206979222973887
Một số hình ảnh cho thấy, dự án đã được chủ đầu tư san lấp gần như hoàn thiện mặc dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 
Cũng theo biên bản trên, lý giải về nguồn gốc đất dùng để san lấp tại Dự án, đại diện Chủ đầu tư cho biết: “Nguồn gốc đất san lấp được Công ty lấy của Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường (Công ty Việt Cường) đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác số 622/GP - UBND ngày 08/03/2019. Công ty cam kết không sử dụng nguồn đất san lấp từ các đơn vị khai thác trái phép, loại đất san lấp Công ty sử dụng phải đảm bảo độ đầm chặt k90, k95, k98. Công ty tuyệt đối không sử dụng vật liệu thải trong dự án để san lấp mặt bằng”.
 
Chủ đầu tư khẳng định như vậy, còn sự thật thì sao? Ngày 18/12/2019, trao đổi với Báo chí, ông Đoàn Văn Tùng - Giám đốc Công ty Việt Cường cho biết: Công ty Việt Cường và Công ty Cổ phần tập đoàn Danko mới chỉ ký hợp đồng nguyên tắc số 01 về việc cung cấp đất san lấp cho Dự án khu nhà ở Bách Quang, phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và Dự án khu nhà ở Cao Ngạn phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 04/12/2019. Đến nay, Công ty Việt Cường chưa cung cấp một m3 đất san lấp nào cho Dự án khu đô thị Danko City Thái Nguyên”. 
 
“Việc đại diện Công ty Danko cho rằng toàn bộ đất đã san lấp tại Dự án Danko City Thái Nguyên được lấy từ Mỏ đất của Công ty Việt Cường là hoàn toàn không đúng. Việc làm trên của Công ty Cổ phần tập đoàn Danko là hành động gian lận thương mại, lừa dối chính quyền địa phương, làm phương hại đến uy tín của Công ty Việt Cường. Chỉ dựa vào bản hợp đồng nguyên tắc đã ký mà Công ty Danko lại đưa Công ty Việt Cường ra làm bình phong để che đậy cho những việc làm sai trái của mình là không thể chấp nhận được” – ông Đoàn Văn Tùng bức xúc nói thêm.
 
Để có cái nhìn khách quan về việc san lấp mặt bằng tại dự án Danko City Thái Nguyên, chúng tôi đã tìm đến khu vực dự án để ghi nhận hình ảnh cụ thể. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ khu vực rộng lớn của dự án đã được san lấp gần như bằng phẳng, để san lấp một diện tích rộng thế này cần phải sử dụng đến hàng vạn m3 đất. 
 
Qua quan sát, nằm xen kẹp giữa dự án là một con đường dân sinh dẫn vào khu dân cư phía trong dự án. Mặc dù con đường được đổ bê tông nhưng bề mặt lại bị phủ dày một lớp bụi, đất đỏ do các phương tiện vận chuyển đất để san lấp dự án, khiến cho việc đi lại của người dân mỗi khi qua đây gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mỗi khi trời mưa gây trơn trượt; gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường khi trời nắng. 
danko-2
Hình ảnh một nhóm người lạ mặt chặn đầu xe, yêu cầu PV xóa hình ảnh, tư liệu vừa ghi được trong khu vực dự án 
Trong một diễn biến khác, trong khi chúng tôi đang ghi nhận hiện trạng tại khu dự án trên, thì bị một nhóm người lạ mặt đi trên 3 xe máy tiến lại chặn đầu xe và yêu cầu chúng tôi phải xóa hết mọi tư liệu, hình ảnh mà chúng tôi vừa ghi lại được. Trước việc làm bất thường của nhóm người trên, chúng tôi thắc mắc rằng, tại khu vực này không có biển cấm quay phim, chụp ảnh cũng không phải là khu vực an ninh, quân sự...
 
Qua trao đổi, nhóm người này cho biết: “Chủ đầu tư dự án chỉ đạo không cho bất kỳ ai được phép quay phim, chụp ảnh ở khu vực này... kể cả phóng viên, nhà báo (!?)”.
 
Khi những “lùm xùm” quanh dự án trên chưa được làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm của Chủ đầu tư (nếu có), hiện nay, trên thị trường bất động sản đã đang rao bán rầm rộ biệt thự, liền kề, shophouse của dự án, với những từ ngữ quảng cáo hết sức “thuyết phục” như: Danko City Thái Nguyên – Đẳng cấp sống thượng lưu; tiện ích cảnh quan phát triển nhất tỉnh Thái Nguyên... Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Dự án này đã đủ điều kiện để “rao bán”, thực hiện ký Hợp đồng mua bán chưa?
 
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, khách hàng đã và đang có nhu cầu đầu tư, ở tại dự án này, đồng thời làm rõ những “góc khuất” về nguồn gốc của hàng vạn m3 đất sử dụng để san lấp dự án; có hay không việc Chủ đầu tư thuê nhóm “người lạ” để bảo kê, che giấu những khuất tất của mình? Những “vấn đề” này rất cần sự vào cuộc và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên để làm rõ. 
 
Baonhandao.vn sẽ tiếp tục thông tin. 
Ngọc Tuấn – Minh Quân /