(NĐ&ĐS) - Bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Ân Thi (Hưng Yên) và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là một công trình nhân đạo của “Đội thiện nguyện Chùa Pháp Vũ” nhằm giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn trong thời gian điều trị tại Trung tâm y tế huyện và những hoàn cảnh khó khăn ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh.

Sau hơn 4 năm (từ năm 2015) đi vào hoạt động, mô hình “Bếp ăn tình thương” tại chùa Pháp Vũ (thị trấn Ân Thi) do Ni sư Thích Đàm Hằng, Trưởng ban trị sự phật giáo huyện Ân Thi, đồng thời là Đội trưởng “Đội thiện nguyện Chữ thập đỏ Chùa Pháp Vũ” đã đứng lên tổ chức và vận động những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài khu phố tham gia, đã mang hơn 10 nghìn suất ăn sáng đến với những người nghèo, người bệnh, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Y tế huyện Ân Thi và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

phap-vu
Đội thiện nguyện chùa Pháp Vũ trong một buổi phát cháo thiện nguyện tại Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Ân Thi. Ảnh: IT

Với vai trò là người đứng đầu Đội thiện nguyện, Ni sư Thích Đàm Hằng luôn nêu cao tinh thần nhân ái, bao dung, có tấm lòng yêu thương con người đặc biệt là người nghèo khó, người già yếu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong huyện.

Những việc làm đó của Ni sư Thích Đàm Hằng luôn nhận được ủng hộ và tin tưởng của các tình nguyện viên trong Đội. Ngoài ra, họ còn tích cực ủng hộ và vận động người thân, nhân dân trong và ngoài thị trấn Ân Thi tham gia ủng hộ giúp đỡ để “Bếp ăn tình thương” hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Hàng tuần tại bếp ăn chùa Pháp Vũ các tình nguyện viên chữ thập đỏ tại chùa lại bận rộn chuẩn bị sẵn sàng 200 suất ăn cho những bệnh nhân nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh. 

Để làm 200 suất ăn sáng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các tình nguyện viên chữ thập đỏ chùa Pháp Vũ phải chuẩn bị từ ngày hôm trước. Sáng đi chợ mua nguyên, vật liệu, chiều tập trung làm thức ăn. Từ 4 giờ sáng ngày thứ năm hàng tuần, các tình nguyện viên đã có mặt đông đủ tại chùa để “nổi lửa” nấu ăn. Thực đơn hàng tuần được thay đổi phong phú với những món ăn đủ chất dinh dưỡng như xôi, cháo dinh dưỡng, bún chả, bánh cuốn, bánh chưng…

Cứ như vậy, vào 7h mỗi buổi sáng thứ 5 hàng tuần, hơn 200 người tại Trung Tâm y tế huyện, Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội tỉnh có một “cuộc hẹn” đặc biệt với những thành viên trong đội tình nguyện viên chữ thập đỏ Chùa Pháp Vũ.

Mô hình "Bếp ăn tình thương" có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Để mô hình được nhân rộng, ngày càng phát huy hiệu quả và ý nghĩa nhân văn rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm về kinh phí cũng như nhân lực để ngày càng nhiều những mô hình nhân ái như vậy được lan tỏa ấm áp tình yêu thương giữa con người với con người.

Nguyễn Văn Tài /