(NĐ&ĐS) - Tính thêm cả nguyên nhân có thật là nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn do thời tiết nắng nóng thì mức tăng đột biến của hóa đơn tiền điện khiến nhiều người đặt câu hỏi: Giá điện thực chất tăng bao nhiêu?

Từ ngày 20/3/2019, giá điện chính thức tăng. Theo Bộ Công thương, mức tăng giá bán điện là 8,36%. Thế nhưng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình lại tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với các tháng trước. Điều này đã khiến dư luận thắc mắc và nghi ngại.

Theo lý giải quen thuộc của ngành điện mỗi khi người dân có thắc mắc về hiện tượng hóa đơn tiền điện tăng đột biến thì nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Thêm vào đó, giá điện đã chính thức tăng 8,36% kể từ 20/3.

hoa-don-tien-dien
Hóa đơn tiền điện tăng đột biến sau khi tăng giá điện khiến nhiều người dân thắc mắc (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, tính thêm cả nguyên nhân có thật là nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn do thời tiết nắng nóng thì mức tăng đột biến của hóa đơn tiền điện khiến nhiều người đặt câu hỏi: Giá điện thực chất tăng bao nhiêu?

Để trả lời trên, cần hiểu rõ mức tăng 8,36% như ngành điện công bố là thế nào?

Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20/3 là 1.864,44 đồng/kwh. Mức giá bình quân cũ là 1.720,65 đồng/kwh.

Như vậy, mức tăng 8,36% là tỷ lệ bình quân tăng từ giá bình quân cũ lên giá bình quân mới.

Theo cách tính mức giá tăng giữa cũ và mới của EVN, giá điện sau ngày 20/3 chỉ tăng từ 8,33 - 8,4% là cao nhất. Tuy nhiên, với việc phân chia ra 6 bậc để tính giá điện, giá điện tăng giữa một bậc với bậc kế tiếp lại không hề thấp.

bang-gia-dien
Bảng giá điện 6 bậc tính từ 20/3/2019 và mức tăng giữa các bậc.

Cụ thể, giá điện sau khi tăng được chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng, với mức giá được tính là: 1.678 đồng/kwh (từ 0-50 kwh), 1.734 đồng/kwh (từ 51-100 kwh), 2.014 đồng/kwh (từ 101-200 kwh), 2.536 đồng/kwh (từ 201-300 kwh), 2.834 đồng/kwh (từ 301-400 kwh) và 2.927 đồng/kwh (từ 401 kwh trở lên).

Theo bảng giá điện chia thành 6 bậc này thì giá điện từ bậc 2 lên bậc 3 cao hơn đến 16,15%; từ bậc 3 lên bậc 4 tăng gần 25,92%, từ bậc 4 lên bậc 5 tăng 11,75%; từ bậc 5 lên bậc 6 tăng 3,28%.

Như vậy, có thể thấy, mức chênh lệch của giá điện giữa các bậc là không hề nhỏ và ảnh hưởng lớn đến việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Tuy nhiên, điều này rất hiếm được ngành điện đề cập đến, mà chỉ nhấn vào việc mức tăng giá 8,36% sẽ không quá lớn theo lập luận của Bộ Công thương.

Bộ Công Thương không để giá điện sinh hoạt một bậc mà phải chia làm nhiều bậc để tránh tình trạng người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, biểu giá điện 6 bậc hiện nay không hợp lý.

Phân tích trên báo chí về điểm bất hợp lý của biểu giá điện hiện nay, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0-50kwh) và bậc 2 (từ 51-100kwh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kwh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.

Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kwh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình.

"Chính phủ giao cho ngành điện tính toán để doanh thu bán điện chia cho sản lượng điện thương phẩm phải bằng giá điện bình quân (1.864 đồng/kwh) nhưng với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt", chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở việc người tiêu dùng chịu thiệt, việc giá điện tăng cùng với giá xăng tăng sẽ có nguy cơ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, khi nhiều mặt hàng, dịch vụ khác cũng đồng loạt tăng giá theo. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân.

Duy Minh /