(NĐ&ĐS) - Ngay sau khi baonhandao.vn đăng kỳ 2 của loạt bài: “Đào tạo Đại học “chui” và những thí sinh không mang số báo danh”, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thái Bình đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải báo cáo nội dung báo phản ánh. Ngoài ra, nhiều bạn đọc gọi về hotline 098.676.2999 của baonhandao.vn với mong muốn được cung cấp thêm thông tin…
Học viên mất liên lạc với giáo viên?
Trong mấy ngày qua, kể từ khi baonhandao.vn đăng 2 kỳ của loạt bài “Đào tạo Đại học “chui” và những thí sinh không mang số báo danh”, nhiều bạn đọc gọi điện về chia sẻ tâm tư về thực trạng đào tạo “chui” mà phóng viên baonhandao.vn đã dày công điều tra, thu thập thông tin tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Một bạn đọc giới thiệu là học viên trong số những lớp học “chui” tại Trung tâm này phân trần: “Kể từ khi đi học, chúng tôi không nắm được quy định nên cứ thấy các trường tổ chức đào tạo là nộp hồ sơ tham gia lớp học. Nay đọc baonhandao.vn mới biết là mình bị lừa bởi hoạt động đào tạo một cách tùy tiện, chui lủi…”. Cũng theo bạn đọc này, sau khi đọc được thông tin trên báo, đã có những học viên lớp Đại học Tiểu học đề nghị Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải cho rút hồ sơ.
Một bạn đọc khác cho biết, đã 2 ngày nay học viên không liên lạc được với giáo viên quản lý lớp do số điện thoại luôn trong trạng thái “thuê bao…”.
“Trong nhóm zalo của lớp, giáo viên quản lý lớp đã rời khỏi nhóm mà không một lời thông báo, điện thoại thì không gọi được, càng khiến chúng tôi lo lắng và nghi ngờ về dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn mở lớp “chui” để thu học phí rồi… bỏ mặc học viên” – bạn đọc lo lắng.
Đáng lưu ý là phóng viên nhận được cuộc gọi của một người giới thiệu là cán bộ quản lý ở một trường Đại học cho rằng: “Tôi rất ủng hộ nội dung báo phản ánh. Thực trạng đào tạo “chui” bằng hình thức liên kết không đúng quy định này đã tồn tại từ rất lâu, và phổ biến ở nhiều nơi, nhiều trường Đại học. Bây giờ tôi mới thấy được phản ánh khá chi tiết trên Báo Điện tử Nhân đạo và Đời sống. Nguyên nhân của tình trạng này là do khoảng hơn 10 năm trở lại đây lạm phát việc thành lập các trường Đại học; Công tác tuyển sinh của nhiều trường ngoài công lập quá dễ dãi vì phải mời gọi sinh viên; Hoạt động tuyển sinh trở nên cạnh tranh lặng lẽ nhưng khá căng thẳng. Có rất nhiều trường “đói” sinh viên, thậm chí hoạt động đào tạo chính quy bị tê liệt.
Nắm bắt thời cơ một số lĩnh vực đang yêu cầu phải chuẩn hóa trình độ đại học thông qua tấm bằng nên các trường đua nhau về các địa phương tổ chức tuyển sinh, đào tạo tại chỗ. Đó là lý do tại sao hầu hết học viên của những lớp liên thông đại học “chui” là cán bộ công chức địa phương hoặc giáo viên THCS, Tiểu học và Mầm non? Còn lý do tại sao họ phải mở lớp “chui”? Điều đó chắc hẳn liên quan đến lợi nhuận của đơn vị đào tạo, vì nếu phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định, họ sẽ phải chi phí rất nhiều khoản tiền “không tên” cho công tác mở lớp”.
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học diễn ra ngày 17/07/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Chế tài trên đã được quy định trong Luật, không phải cứ hơi tí là phạt, nhưng vi phạm đến mức độ thì phải xử phạt. Việc tự chủ gắn với kế hoạch tài chính mà việc tuyển sinh không đảm bảo chất lượng hoặc việc mở ngành có những mã ngành rất kỳ lạ, đã bị nhắc nhở mà vẫn không thực hiện thì phải xử lý. Tới đây, Bộ sẽ làm nghiêm vấn đề này.
Cần làm rõ dấu hiệu “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”!
Đặc biệt, sáng 24/09/2019, một số bạn đọc liên hệ với phóng viên baonhandao.vn mong muốn được gặp phóng viên để cung cấp thêm thông tin. Trong đó, bạn đọc cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ việc thu chi tài chính thiếu minh bạch của một số cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải. Cụ thể, ở một số lớp học, mỗi học viên phải nộp khoản tiền gọi là phí đầu vào số tiền 2.200.000 đồng; Mỗi kỳ thi diễn ra chỉ trong 1 buổi với nhiều môn thi, nhưng mỗi học viên phải đóng lệ phí thi 60.000 đồng/1 môn thi.
"Tôi là người tham gia ở lớp Đại học Luật, có nhiều người nộp hồ sơ nhưng không tham gia học nên mỗi học viên đã phải nộp số tiền 2.800.000 đồng/7 môn học cho giáo viên quản lý lớp để được cho “qua” môn học…” – một bạn đọc được cho là học viên tham gia lớp học bức xúc.
Cũng theo bạn đọc này, thời gian chỉ học ngày cuối tuần, nhưng Trung tâm thu mỗi học viên số tiền 75.000 đồng/tháng gọi là phí để xe và tiền nước uống. Tất cả những khoản thu này không được viết phiếu thu, mà mỗi học viên khi nộp tiền được ký vào một danh sách thu tiền đã đánh máy sẵn. Được biết, tổng số học viên của các lớp đại học “chui” đang đào tạo tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải gần 1.000 học viên.
Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: “Việc cán bộ của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải trực tiếp thu tiền của học viên trong trường hợp này là hoàn toàn không có căn cứ để thu, vì tất cả các lớp đại học do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải quản lý đều không được phép hoạt động. Không những thế, có nhiều khoản tiền giáo viên thu mà không có nội dung chi rõ ràng, không có biên lai thu tiền… như phí đầu vào, phí thu thêm 2.800.000 đồng/1 học viên, là có dấu hiệu của hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015”. Công an tỉnh Thái Bình cần vào cuộc điều tra hoạt động đào tạo “chui” diễn ra trong thời gian dài tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải, xử lý trách nhiệm của cán bộ trung tâm và các đơn vị liên quan trong việc vi phạm quy định về mở lớp đào tạo hệ đại học; Đồng thời điều tra dấu hiệu của hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” từng diễn ra tại đây như thông tin bạn đọc phản ánh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình chỉ đạo kịp thời
Trao đổi với phóng viên baonhandao.vn sáng 24/09/2019, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết: Sau khi đọc được 2 bài báo trên baonhandao.vn phản ánh về tình trạng liên kết đào tạo sai quy định, đào tạo đại học “chui” tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã ký công văn yêu cầu Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải báo cáo nội dung mà baonhandao.vn phản ánh.
Tại công văn số 848/SGDĐT-TTr do Giám đốc Sở là ông Nguyễn Viết Hiển ký ngày 24/09/2019 nêu: “Báo Điện tử Nhân đạo và Đời sống tại trang baonhandao.vn ngày 20/09/2019 và 23/09/2019 có 2 kỳ đưa tin: “Đào tạo Đại học “chui” và những thí sinh không mang số báo danh - Kỳ 1: Kỳ thi không có… Hội đồng thi”; “Kỳ 2 – Hàng trăm học viên Đại học Hải Phòng thành “con rối”? Trước những thông tin mà báo chí phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình yêu cầu Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải báo cáo bằng văn bản về Sở GD-ĐT Thái Bình (thanh tra Sở nhận) trước ngày 01/10/2019”.
Công văn số 848/SGDĐT-TTr của Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình cũng khẳng định: “Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình sẽ thành lập tổ kiểm tra, xác minh các thông tin báo chí đã phản ánh”. Như vậy, Lãnh đạo Sở GD-ĐT đã có động thái rất tích cực trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh trên báo chí, hi vọng sẽ có những quyết tâm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình trong việc xử lý vi phạm diễn ra tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải như baonhandao.vn đã nêu.
Ngày 25/9/2019, UBND tỉnh Thái Bình cũng có công văn số 4046/UBND-VX về việc làm việc với báo chí. Tại công văn này, UBND tỉnh giao UBND huyện Tiền Hải chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT làm việc với phóng viên Báo Điện tử Nhân đạo và Đời sống, báo cáo UBND tỉnh.
Theo một nguồn tin của phóng viên baonhandao.vn, ngày 25/l9/2019, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT là ông Nguyễn Đức Cường đã ký công văn số 928/TTr-NV2 gửi trường Đại học Thành Đông, và công văn 929/TTr-NV2 gửi trường Đại học Hải Phòng. Công văn nêu: “Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường Đại học Hải Phòng kiểm tra rà soát, có báo cáo chi tiết kèm minh chứng về hoạt động liên kết đào tạo từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt là hoạt động liên kết với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cụ thể:
1. Cơ sở pháp lý của hoạt động liên kết đào tạo trình độ Đại học
2. Quy mô, số lượng, ngành, lớp liên kết đào tạo
3. Địa điểm đặt lớp, đối tác liên kết
4. Công tác tổ chức, quản lý đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng…
Báo cáo của trường kèm theo hồ sơ, minh chứng đóng thành quyển, có xác nhận của Trường, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 02/10/2019”.
(Còn nữa…)
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học diễn ra ngày 17/07/2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nêu ý kiến: Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đăng tải trên Cổng thông tin tuyển sinh số lượng thí sinh trúng tuyển, chi tiết đến tên của từng thí sinh, để các em có thể tra theo tên, biết mình nằm trong danh sách trúng tuyển của trường nào; trường nào tuyển sinh chui, "kê khống". Bà Nguyễn thị Kim Phụng cho biết: "Tất cả những vi phạm trong tuyển sinh, ngoài việc bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, thì theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi vừa có hiệu lực, các trường sẽ không được tự chủ tuyển sinh trong 5 năm.
Trước thực trạng đào tạo “chui” tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiền Hải liên kết với nhiều trường Đại học như baonhandao.vn phản ánh, công luận kỳ vọng vào sự cương quyết xử lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.