(NĐ&ĐS) - Gần 40 thành phố của Mỹ đã ban bố lệnh giới nghiêm và phải huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia do tình trạng biểu tình nổ ra ở khắp nơi sau cái chết của người da màu George Floyd dưới tay cảnh sát.

George Floyd, sống ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota đã tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy hơn 9 phút trong vụ bắt người liên quan cáo buộc sử dụng tiền giả. 

Cái chết của George Floyd đã khiến các cuộc biểu tình bùng phát trên toàn nước Mỹ. Các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực dẫn tới đụng độ với cảnh sát, phá hoại và cướp bóc.

bieu_tinh_my_kmov_lima
Biểu tình nổ ra sau cái chết của George Floyd

Bắt đầu từ ngày 26/5, hàng trăm người biểu tình xuống đường ở Minneapolis. Ngày 27/5, biểu tình lan sang các thành phố khác. Tại Memphis, cảnh sát phải phong tỏa một phần đường phố. Tại Los Angeles, hàng trăm người diễu hành quanh trung tâm hành chính của thành phố. Một nhóm người biểu tình chặn đường cao tốc Route 101.

Trong những đêm sau đó, thêm nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Ngày 29/5, hàng trăm người biểu tình đổ ra đường gần công viên Olympic Thế kỷ ở Atlanta, đập phá các cửa sổ. Một số người trèo lên tấm biển CNN lớn bên ngoài trụ sở hãng truyền thông và phun sơn các thông điệp lên đó.

bieu-tinh-2-1590965644493
Hàng chục xe cảnh sát ở New York bị người biểu tình đốt phá.

Ở New York, người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên khắp Brooklyn và Hạ Manhattan, khiến nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương. Hàng nghìn người tụ tập trong các cuộc diễu hành lớn trước khi phân nhóm thành các cuộc biểu tình bạo lực nhỏ hơn. Một số người ném chai và mảnh vỡ vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đáp trả bằng hơi cay và bắt một số người biểu tình.

washington-dc-1-4839-1590973659
Cảnh sát chắn trước đám đông người biểu tình tại thủ đô Washington hôm 31/5.

Tại Washington, đám đông tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, la hét, ném chai nước, đồ vật, xô đổ hàng rào an ninh, khiến mật vụ sử dụng hơi cay và phong tỏa tòa nhà trong một khoảng thời gian. Tổng thống Trump được đưa xuống hầm tổng thống để đảm bảo an toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một "thảm kịch", nhưng cho rằng các hành vi bạo lực quá khích là hành động của "những kẻ cướp bóc, vô chính phủ". "Chúng ta không thể và không được cho phép một nhóm nhỏ tội phạm cùng những kẻ phá hoại tàn phá các thành phố và cộng đồng dân cư của chúng ta", ông nói. 

Theo truyền thông Mỹ, tính đến sáng 31/5 theo giờ địa phương, lệnh giới nghiêm đã được ban bố ở ít nhất 39 thành phố thuộc 21 bang của Mỹ, trong khi lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được kích hoạt ở ít nhất 15 bang trong nỗ lực nhằm ngăn các cuộc biểu tình đang lan rộng. 

Các bang Arizona và Virginia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm cho phép lực lượng cảnh sát được trang bị để bắt giữ các cá nhân tìm cách gây bạo loạn, cướp bóc hoặt phá hoại. Bang Texas đã tuyên bố thảm họa do các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực dẫn tới tình trạng phá hoại tài sản ở nhiều khu vực. Thành phố Chicago đã phong tỏa khu vực trung tâm, trong khi đó bang Minnesota đã đóng cửa các tuyến đường cao tốc lớn. 

Mặc dù các cuộc đụng độ xảy ra khắp nước Mỹ, cũng có những nơi cảnh sát thể hiện sự chia sẻ với những người biểu tình ôn hòa. Ngày 31/5, ở Queens, New York, người biểu tình quỳ gối để phản đối cái chết của Floyd. Điều khiến họ bất ngờ là vài cảnh sát cũng quỳ xuống giống họ. Một mục sư sau đó mời các sĩ quan cùng tham gia cuộc biểu tình ôn hòa, khiến đám động vỗ tay tán thưởng.

"Tôi thực sự không bao giờ nghĩ đến điều này. Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng như thế", Aleeia Abraham, người đứng đầu tổ chức tình nguyện BlaQue Resource Network ở Queens, nói.

Quang Minh /